Một trong 4 phiên bản của bức họa nổi tiếng The Scream (Tiếng thét) của danh họa người Na Uy Edvard Munch đã được bán với giá 119,9 triệu USD tại một phiên đấu giá của hãng Sotheby’s ở New York (Mỹ) hôm 2-5.
Bức họa nổi tiếng
Đây là tác phẩm nghệ thuật có giá bán cao nhất tại một phiên đấu giá từ trước đến nay. Kỷ lục trước đó thuộc về bức họa Nude, Green Leaves and Bust của danh họa Pablo Picasso, được bán với giá 106,5 triệu USD tại phiên đấu giá của hãng Christie’s 2 năm trước đó. Đây cũng là tác phẩm đắt giá nhất từ trước đến nay của danh họa Munch. Kỷ lục trước đó là bức Vampire vẽ năm 1894, được bán với giá 38 triệu USD tại phiên đấu giá của Sotheby’s năm 2008.
Kiệt tác The Scream tại phiên đấu giá hôm 2-5. Ảnh: Getty Images
Danh tính người mua - tham gia cuộc đấu giá kéo dài 12 phút nói trên qua điện thoại - không được tiết lộ. Có tổng cộng 7 người cạnh tranh dữ dội để có được quyền sở hữu bức tranh
The Scream, được đấu giá với mức giá khởi điểm là 40 triệu USD. Trước thềm cuộc đấu giá, có tin đồn là Hoàng gia Qatar quan tâm đến kiệt tác này. Phiên bản The Scream nói trên còn đạt được một cột mốc khác: Nó trở thành bức họa được bán công khai đắt nhất thế giới hiện nay.
Bức họa The Scream có 4 phiên bản, được danh họa Munch vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1893 tới 1910. Bức họa mô tả hình ảnh méo mó của một người đàn ông, đôi tay ôm đầu với vẻ mặt sợ hãi, miệng hét to dưới bầu trời đỏ như máu. Một số người xem hình ảnh này là biểu tượng của nỗi đau đớn và sự tuyệt vọng hiện hữu trong thời kỳ hiện đại. Một số người khác xem hình ảnh này mang tính chất cá nhân hơn, biểu lộ sự đau khổ riêng tư.
Michael Frahm, chuyên gia Công ty Dịch vụ tư vấn nghệ thuật Frahm Ltd. (Anh), nhận định với hãng tin AP: “Cùng với Mona Lisa, đây là hình ảnh nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trong lịch sử nghệ thuật”.
Hai lần bị đánh cắp
Trước khi được đem ra bán đấu giá, phiên bản bức họa The Scream vẽ năm 1895 nói trên thuộc sở hữu của Petter Olsen, một doanh nhân người Na Uy. Cha của ông Olsen là bạn bè, hàng xóm và người bảo trợ cho danh họa Munch. Ông Olsen cho biết ông quyết định bán bức họa vì cảm thấy “đã đến lúc cho phần còn lại của thế giới cơ hội sở hữu và hiểu rõ giá trị” của kiệt tác này.
Số tiền thu được từ việc bán đấu giá bức họa sẽ được dùng vào việc xây một bảo tàng, trung tâm nghệ thuật và khách sạn ở Hvisten (Na Uy), nơi cha của ông Olsen và danh họa Munch là hàng xóm của nhau. Olsen cho biết thêm rằng ông cảm thấy hài lòng với kết quả cuộc đấu giá và hy vọng tiếng vang của nó sẽ giúp gia tăng sự quan tâm của công chúng đối với các tác phẩm của Munch.
Trong khi đó, ông Audun Eckhoff, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia ở Oslo, cho biết nhà chức trách Na Uy đã chấp nhận cuộc bán đấu giá do 3 phiên bản còn lại của bức họa đang thuộc sở hữu của các bảo tàng ở nước này: 1 ở Bảo tàng Quốc gia và 2 ở Bảo tàng Munch (cũng tại Oslo).
Trong số này, có 2 phiên bản từng là mục tiêu của bọn trộm trước đây. Vào năm 1994, hai tên trộm đã đột nhập Phòng tranh Quốc gia (trực thuộc Bảo tàng Quốc gia kể từ năm 2003) và lấy cắp phiên bản năm 1893. Rất may là tác phẩm này được tìm thấy và trả về phòng tranh vào cuối năm đó. Một thập kỷ sau, các tay súng bịt mặt đã đánh cắp phiên bản năm 1910 của The Scream từ Bảo tàng Munch. Hai năm sau, tác phẩm này được thu hồi và trả về cho bảo tàng.
Bình luận (0)