Hôm 16-4, đài BBC (Anh) đưa tin cảnh sát TP Palermo – Ý đã bắt giữ 15 người nhập cư Hồi giáo sau khi họ bị cáo buộc ném 12 giáo đồ Ki-tô xuống biển Địa Trung Hải. Tất cả được cho là đã thiệt mạng.
15 nghi phạm đến từ Bờ Biển Ngà, Senegal, Mali và Guinea, nằm trong số 105 người di cư trái phép vào Ý. Nhóm người đi trên một chiếc thuyền bơm hơi, xuất phát từ Libya hôm 14-4.
Các nhân chứng nói với cảnh sát rằng những người theo đạo Hồi và Ki-tô xảy ra ẩu đả do bất đồng tôn giáo. Sau khi 12 giáo đồ Ki-tô bị ném xuống biển, các giáo đồ còn lại đứng tập trung vào một chỗ để bảo vệ lẫn nhau.
Cũng trong ngày 16-4, hải quân Ý cứu được 4 người di cư, bao gồm một người Ghana, hai người Nigeria và một người Niger, suýt chết đuối trên biển. Bốn người cho biết chiếc thuyền bơm hơi của họ bị chìm sau khi rời khỏi Libya với 45 người trên khoang.
Theo Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), 41 người còn lại đã bị chết đuối. Bốn người sống sót được đưa tới đảo Sicily cùng với 600 người di cư khác.
Đây chỉ là một trong những nạn nhân may mắn được cứu thoát trong số gần 20.000 người di cư đang cố gắng vượt qua Địa Trung Hải những ngày gần đây.
Kể từ đầu năm, hơn 500 người từ châu Phi và Trung Đông đã vĩnh viễn chôn mình dưới đáy biển khi tìm cách vượt biên trái phép vào châu Âu, đặc biệt là Ý. Con số này gấp 30 lần cùng kỳ năm ngoái. Giấc mơ có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở chân trời mới đã trở thành cơn ác mộng đối với họ.
Trong thảm kịch mới nhất hôm 13-4, cảnh sát biển Ý chỉ cứu được 140/500 người di cư khi con thuyền chở họ bị chìm. Nếu các nạn nhân mất tích được xác định đã thiệt mạng, gồm 1/3 là phụ nữ và trẻ em, số người di cư chết trong năm sẽ tăng lên 900 người.
Hồi năm ngoái, 170.000 người ở châu Phi và Trung Đông chạy trốn xung đột và đói nghèo đã vượt biển trên những chiếc thuyền không đủ tiêu chuẩn an toàn, đánh đổi mạng sống để lấy được “chiếc vé” đặt chân lên đất liền. Chính phủ Ý cho biết đây là con số cao kỷ lục.
Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni hôm 16-4 than phiền Liên minh châu Âu (EU) “không có phản ứng thích hợp” để đối phó cuộc khủng hoảng dân di cư. Tuy nhiên, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) Natasha Bertaud nói rằng tổ chức không có “viên đạn bạc” để giải quyết tình trạng này. Bà Bertaud dẫn lý do không đủ nguồn lực và hỗ trợ chính trị để thành lập vành đai bảo vệ châu Âu.
Bình luận (0)