33 thợ mỏ Chile đã có thỏa thuận không công khai kể hoặc ít nhất là chưa phải lúc này về trải nghiệm của họ dưới lòng đất.
Tại bữa tiệc hàng xóm mừng ông vào đêm 16-10, thợ mỏ Mario Gomez đã khẳng định: “Có một số điều chúng tôi không thể nói ra bởi vì giữa chúng tôi đã có thỏa thuận. Ngay từ thời điểm đầu tiên bị mắc kẹt, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ được cứu. Tôi không bao giờ mất hy vọng. Tôi chưa bao giờ đánh mất niềm tin”.
Một thợ mỏ được nhân viên y tế kiểm tra trong lúc chờ được đưa lên mặt đất. Ảnh: EPA
Thời điểm tuyệt vọng
Trong khi đó, theo báo Anh Daily Mail, thợ mỏ Mario Sepulveda – người thứ hai được đưa lên mặt đất – nói rằng trải nghiệm của họ khi đó thật là khủng khiếp.
Anh được báo chí gọi là “Super Mario” và được những thợ mỏ cùng cảnh ngộ tán dương vì lòng dũng cảm và óc khôi hài.
“Super Mario” kể anh đã cố tìm lối ra và đã buộc phải nói với các đồng nghiệp rằng họ bị mắc kẹt. Anh kể lại: “Đó là thời điểm hoàn toàn tuyệt vọng”.
Trong 15 ngày kế tiếp, niềm hy vọng dường như tan biến đi. Trong khi các thợ mỏ đấu tranh để tồn tại và tìm kiếm một lối thoát thì nhiều người trong số họ đã suy sụp tinh thần. Theo anh, 17 ngày đầu là khoảng thời gian khủng khiếp, không thể chịu đựng được.
Tuy nhiên, Sepulveda nhớ lại: “Nếu như có một người ngã lòng, những người khác cố trấn an. Mỗi lần điều đó xảy ra, chúng tôi lại như một đội ngũ đoàn kết để cố giữ vững tinh thần cho nhau”.
Các thợ mỏ phải chịu cảnh nóng bức ngột ngạt và hoàn toàn sống trong bóng tối. Thứ ánh sáng duy nhất họ có được là từ chiếc đèn đeo trước trán.
Sepulveda không giấu vẻ tự hào: “Chúng tôi là thợ mỏ nên chúng tôi vẫn thường làm việc trong bóng tối. Chúng tôi đã sử dụng thứ ánh sáng đó để sinh hoạt và để tưởng thưởng cho bản thân cũng như để nâng đỡ tinh thần nhau”.
Bên cạnh đó, các thợ mỏ chỉ có lượng nước dự trữ đựng trong hai thùng dầu. Sepulveda cho biết: “Nước hôi thối lắm, có điều nó đã không làm chúng tôi bị nhiễm độc. Chúng tôi tự cho phép mỗi ngày được nhấp vài ngụm nhỏ”.
Vai trò thủ lĩnh
Về nguyên nhân không tiết lộ chi tiết nào về khoảng thời gian đầu bị mắc kẹt, anh nói đó là bởi vì có một số thợ mỏ “trẻ, ít học hơn” có những hành xử không hay do gặp nhiều khó khăn khi đương đầu với tình hình trên.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bob Sutton, giáo sư Trường Đại học Stanford, một chuyên gia về tâm lý tổ chức và bản chất của các nhà lãnh đạo lớn, hiện đang nghiên cứu vai trò của đốc công Luis Urzua trong việc giúp 33 thợ mỏ sống sót và tự chủ. Ông xác nhận: “Tôi đặc biệt quan tâm đến vai trò thủ lĩnh của Luis Urzua”.
Urzua là thợ mỏ cuối cùng được đưa lên mặt đất. Đứng trước mặt Tổng thống Chile Sebastien Pinera khi đó, Urzua đã phát biểu: “Ca làm việc 70 ngày là một ca quá dài. Những ngày đầu tiên rất khó khăn”. Tổng thống Pinera đã đáp lại: “Ông đã hành động như một trưởng ca giỏi. Tôi tiếp nhận ca của ông!”.
Trở lại hầm mỏ
Theo CNN, hơn 10 thợ mỏ hôm 17-10 đã tập trung tại cửa hầm mỏ San Jose, nơi họ đã bị mắc kẹt suốt 69 ngày dưới độ sâu gần 700 m trong lòng đất, để dự một buổi lễ mừng vì họ đã được bình an vô sự. Hàng trăm nhà báo có mặt tại đó. Nhiều thợ mỏ vẫy chào hoặc giơ ngón tay cái lên với các nhà báo. Chỉ vài người trong số họ phát biểu. |
Bình luận (0)