Ý này cũng đã được Tổng thống Pervez Musharraf đề cập đến trong bài nói chuyện với toàn dân Pakistan đêm 27-5. Ông nói: “Pakistan không muốn lâm chiến với Ấn Độ nhưng sẵn sàng trả đũa quyết liệt nếu bị tấn công”. Tuy nhiên sau đó, trả lời phỏng vấn báo Anh Financial Times, ông lại tuyên bố: “Không dễ chiến thắng trong một cuộc chiến với Ấn Độ. Điều tôi mong muốn là hòa bình trong danh dự”.
Ngoại trưởng Ấn Độ Jaswant Singh hôm qua tuyên bố bài diễn văn của TT Musharraf là “đáng thất vọng và nguy hiểm”. Nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes: “Xem ra hai chữ lý trí không có chỗ trong ban lãnh đạo Pakistan. Sự chọn lựa của Ấn Độ rất là hạn hẹp”. Nhưng ông nói thêm: “Tuy nhiên nói rằng hai nước đang ở bên bờ vực chiến tranh là không thích hợp”.
Theo nhận định của các quan sát viên quốc tế, cả hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan đều đưa ra những tín hiệu đối chọi nhau vừa cứng vừa mềm. Thủ tướng A. B. Vajpayee kêu gọi quân đội sẵn sàng cho “một trận đánh quyết định” nhưng lại tuyên bố ông thấy “một bầu trời quang đãng thay vì những đám mây chiến tranh”. TT Musharraf cũng vậy, lên án “những hành động tàn ác của quân đội Ấn ở Kashmir” nhưng lại tiếp tục kêu gọi đối thoại. Các nhà phân tích cho rằng từ lời lẽ trong các tuyên bố cứng rắn cho đến việc thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thực chất là hai bên đều nhằm thỏa mãn đòi hỏi của các nhóm diều hâu trong nước và củng cố nền tảng chính trị vốn không ổn định lắm. Tuy nhiên, nếu các tổ chức Hồi giáo Kashmir lại có một cuộc tấn công quan trọng nữa thì vẫn có thể xảy ra chiến tranh mà cả hai bên đều không muốn! Và trong trường hợp này, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí New Scientist mới đây, các nhà khoa học Mỹ và châu Á ước tính sẽ có khoảng 3 triệu người Ấn Độ, Pakistan chết trong một cuộc tấn công với 10 đầu đạn hạt nhân (cỡ trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống hai thành phố Nhật Hiroshima và Nagasaki) nhắm vào 10 thành phố lớn của hai nước.
Bình luận (0)