Văn phòng Ngân sách quốc hội (CBO) ước tính tình trạng đóng cửa vừa qua đã khiến tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ trong quý cuối năm 2018 giảm 3 tỉ USD. Thêm vào đó, GDP thực của Mỹ trong quý I/2019 ước tính sẽ giảm hơn 8 tỉ USD.
Tình trạng đóng cửa chính phủ gây thiệt hại nặng nề cho đất nước Mỹ. Ảnh: EPA
CBO đã công bố số liệu trên hôm 28-1 khi 800.000 nhân viên liên bang quay trở lại làm việc.
Ngoài ra, đối tượng cảm thấy bị ảnh hưởng nhiều hơn là các doanh nghiệp tư nhân và công nhân, đặc biệt là những người vừa qua không được trả lương.
Đợt đóng cửa chính phủ kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ vừa qua mới kết thúc hôm 25-1 khi Tổng thống Donald Trump và quốc hội đồng ý cấp kinh phí tạm thời cho chính phủ - trong đó không có tiền để xây bức tường biên giới - trong khi các ảnh hưởng của sự kiện đóng cửa chính phủ đã tăng lên trên khắp nước Mỹ.
800.000 nhân viên liên bang đã trở lại làm việc sau khi chính phủ tái mở cửa hôm 28-1. Ảnh: REUTERS
Một ủy ban gồm các nghị sĩ lưỡng đảng sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 30-1 trong khi họ cố gắng thương lượng thỏa thuận về an ninh biên giới trước thời hạn chót 15-2 tới.
Trong khi đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông sẽ đóng cửa chính phủ thêm một lần nữa nếu các nghị sĩ không đạt được thỏa thuận ông nhận thấy có thể chấp nhận được về an ninh biên giới.
Ông Trump cũng cho biết ông có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc để có tiền xây bức tường biên giới. Tuy nhiên, phe Dân chủ nhiều khả năng sẽ thách thức điều đó tại tòa án.
Các nghị sĩ Dân chủ nhận định bản báo cáo nêu trên của CBO là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với ý định đóng cửa chính phủ một lần nữa của ông Trump.
Hầu hết nhân viên sẽ lại được trả lương hôm 31-1, số tiền ước tính 6 tỉ USD cho tất cả mọi người được cho nghỉ phép. Còn các nhà thầu và doanh nghiệp dựa vào hoạt động của các công nhân liên bang đối mặt với những thiệt hại khổng lồ, mặc dù một số nghị sĩ thúc đẩy luật pháp để thanh toán lại cho các nhà thầu.
Bình luận (0)