Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy... đồng loạt xuất hiện tại thủ đô Paris sau các vụ tấn công khiến 17 nạn nhân thiệt mạng từ ngày 7 đến 9-1.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, Vua Abdullah II và Hoàng hậu Rania của Jordan tới sớm, trong khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cặp bài trùng đối địch, cũng đến tham dự buổi lễ.
Một nhiếp ảnh gia bắt được khoảnh khắc bà Merkel nhẹ nhàng tựa đầu trên vai ông Hollande. Họ đều tỏ ra trầm lặng sau thảm kịch đau buồn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ngầm thể hiện thông điệp sẽ không nhượng bộ chủ nghĩa khủng bố dù phải trả một cái giá không hề nhỏ.
Nguồn: Reuters
Cuộc diễu hành bắt đầu lúc 15 giờ chiều 11-1 (giờ địa phương) gần Place de la Republique, trung tâm thủ đô, trong khi một đám đông đã có mặt từ đêm hôm trước. Dalil Boubakeur, người đứng đầu nhà thờ Đại Hồi giáo kiêm Chủ tịch Hội đồng Đức tin Hồi giáo Pháp cũng được nhìn thấy trong đám đông.
Một người đàn ông theo đạo Hồi nói với đài CNN: “Tôn giáo của chúng tôi là tôn giáo tình yêu… Tôn giáo của chúng tôi yêu người Do Thái… yêu giáo đồ Ki-tô. Chúng tôi không phải là những kẻ khủng bố”.
Tuy nhiên, một số quốc gia có số lượng người Hồi giáo lớn sinh sống như Mỹ, Pháp, Úc và Canada đang tăng cường cảnh giác cao độ, đặc biệt là an toàn cho những người làm trong giới báo chí.
Zineb El Rhazoui, nhà báo của tuần tạp chí châm biếm Charlie Hebdo nói về những khó khăn của tòa soạn sau vụ thảm sát (khiến 12 người trong tòa soạn thiệt mạng) và bày tỏ lòng cảm kích về sự giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần của tất cả mọi người. Rhazoui cho biết Charlie Hebdo đã phải trả một cái giá quá đắt để người dân Pháp xích lại gần nhau và hiểu về tòa soạn này hơn.
Hôm 11-1, văn phòng báo Le Soir của Bỉ đã được sơ tán sau khi nhận được tin nhắn đe dọa đánh bom. Mỹ cũng phát hành cảnh báo về một đoạn video do phát ngôn viên Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Mohammed al Adnani đăng trên mạng xã hội, nội dung kêu gọi “tích cực giết sĩ quan tình báo, cảnh sát, binh sĩ và dân thường” ở các quốc gia kể trên tới những kẻ ủng hộ tổ chức.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve, 2.300 cảnh sát cùng với lượng bán quân sự và đơn vị đặc biệt được triển khai hôm 11-1 nhằm bảo vệ an toàn cho các nhà lãnh đạo. Cảnh sát cũng bố trí các tay súng bắn tỉa, đặc nhiệm chống khủng bố mặc thường phục trên các con đường nơi cuộc diễu hành đi qua.
Bình luận (0)