Vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông, nỗi lo kinh tế toàn cầu suy giảm, quan hệ song phương với Nhật Bản và Triều Tiên dự kiến là 4 “cơn đau đầu” về ngoại giao mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong năm 2015.
Theo nhận định của tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì những tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh không khỏi lo ngại khi vụ kiện nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu sụt giảm có thể khiến hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông ít mang lại lợi nhuận hơn, vì thế giảm nguy cơ xung đột trong ngắn hạn.
Giá dầu thấp có thể khiến một số nền kinh tế hưởng lợi nhưng viễn cảnh kinh tế năm 2015 nhìn chung khá u ám - một điều khiến Bắc Kinh lo lắng. Bản thân tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể chỉ từ 6,5%-7%, thấp hơn những năm gần đây. Mối liên hệ ngày càng tăng giữa kinh tế Trung Quốc và kinh tế toàn cầu càng khiến Bắc Kinh gặp rủi ro.
Nhận định về quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, The Diplomat cho rằng năm 2015 sẽ tiếp tục có nhiều sóng gió vì đây là năm kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một chủ đề nhạy cảm với cả 2 siêu cường châu Á. Có khả năng Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này tái khẳng định sự có mặt của mình trong trật tự thế giới mới trong khi Nhật Bản tiếp tục tìm cách cởi bỏ các rào cản hạn chế sức mạnh quân sự. Chỉ cần xảy ra một cuộc đụng độ tàu thuyền hay máy bay giữa Nhật Bản và Trung Quốc, căng thẳng sẽ lập tức dâng cao. Trong dấu hiệu cho thấy căng thẳng vẫn còn đó, Trung Quốc ngày 12-1 lần đầu tiên lên tiếng chỉ trích tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani bằng cách “phản đối mạnh mẽ” các bình luận “Bắc Kinh liên tục gây ra các hành động nguy hiểm ở Hoa Đông” của ông.
Cơn đau đầu cuối cùng của Trung Quốc chính là vấn đề Triều Tiên. Mối quan hệ Trung - Triều được cho là xấu đi dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng Bắc Kinh nhiều khả năng vẫn nỗ lực duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên bởi không muốn Bình Nhưỡng gặp khó khăn.
Ưu tiên dẹp nạn phe phái
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) hôm 12-1 bắt đầu hội nghị toàn thể kéo dài 3 ngày. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc chống nạn phe phái trong đảng và tham nhũng trong chính quyền địa phương có thể là ưu tiên hàng đầu của CCDI trong năm nay. Trước đó, Tân Hoa Xã đưa tin trong cuộc họp cuối tháng 12-2014, 25 thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc nhấn mạnh sẽ không dung thứ cho những cán bộ tạo ra phe phái chính trị vì mục đích kinh doanh cá nhân.
Trong một vụ việc khác, theo SCMP, Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc Mã Kiện đã bị bắt vì bị cáo buộc tham nhũng. Vụ việc được cho là có liên quan đến tập đoàn công nghệ Phương Chính thuộc sở hữu của Trường ĐH Bắc Kinh. Người có quan hệ gần gũi với ông Mã là giám đốc điều hành Lý Hữu của tập đoàn Phương Chính. Lý Hữu bị cáo buộc đứng sau thao túng các giao dịch chứng khoán có lợi nhuận cực lớn do một trong những người thân của Mã Kiện thực hiện. Theo các nguồn tin, ông Mã còn có liên hệ chặt chẽ với Lệnh Kế Hoạch, cựu Chánh Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị bắt hồi tháng 12-2014. Nguồn tin cho biết Lý Hữu hối lộ một khoản lớn cho Lệnh Kế Hoạch và vợ con ông này.
Bình luận (0)