1. Họ sống trong một xã hội bình đẳng. Dân Xì Trum là những người lùn da xanh giống nhau sống hạnh phúc trong rừng. Đối lập với một Astérix hoặc Tintin, ở đây không phải một cá nhân giữ vai người hùng, nhưng là cả nhóm. Màu sắc của họ chính là “màu xanh lao động”, ký hiệu chứng tỏ họ thuộc về giai cấp công nhân.
2. Họ tự tập trung vào các đại công xưởng. Dân Xì Trum chia nhau mọi thứ và lao động tất cả như một trong các đại công xưởng – xây cầu hoặc xây đập đủ kiểu – được coi là cần thiết đối với tập thể.
3. Họ khinh tiền tài… Không một Xì Trum nào có tiền. Đã vậy, phu mỏ Xì Trum coi vàng – kim bản vị trong hệ thống tư bản – như là một thứ “nhơ bẩn” mà họ chẳng biết dùng làm gì. Ngay khi một kẻ trong bọn họ quyết định cho lưu thông bạc, điều đó diễn ra rất tồi tệ…
4. Đả đảo những kẻ “ăn bám” và “phản xã hội”. Trong hàng ngũ những kẻ bị khinh bỉ đang làm xói mòn hệ thống, người ta có thể điểm mặt Tí hề (bản dịch sau 1975 gọi là Xì Trum hề) – kẻ phá hoại – và Tí lười. Tay Tí sau này tiêu biểu cho một sự sỉ nhục đối với lý tưởng Xì Trum lấy lao động làm sự cứu rỗi.
5. Thế giới Xì Trum sẽ đạt đến những “ngày mai thiên đàng”. Ngay từ sự xuất hiện đầu tiên của họ trong vai phụ trong tập truyện Johan và Pirlouit, dân Xì Trum sống trong một làng giữa những cây đen trụi lá. Nhưng rồi ngay tập thứ nhất (Xì Trum đen), thế giới của họ trở nên thân thiện hơn. Dần dà trong các tập tiếp theo, đó là một thiên đàng, bao quanh là rừng cây hoang dã và một con sông đáng yêu…
6. “Tí Cha của dân tộc” mặc đồ đỏ! Ngoài ra, ông ta còn có hàm râu giống Karl Marx! Đó chính thị là ngài Đại Xì Trum, một sự pha trộn ngộ nghĩnh giữa tác giả bộ Tư Bản, Lenin và Stalin. Cũng như họ, ngài Đại Xì Trum phải chăng cũng rất nghiêm khắc với nhiều kẻ “hữu khuynh”?
7. Đối thủ của Đại Xì Trum là bản sao của Trotski. Bạn biết ông ta chăng? Đó chính Tí môran. Ông ta đeo kính tròn kiểu Trotski. Câu nói cửa miệng của ông Tí đeo kính này là “Như Đại Xì Trum đã nói”. Ông nói thêm một cách mỉa mai: “Người ta không thể xì trum gì khi không có ý kiến của Đại Xì Trum!” Ông thường nói như thế để bẻ lệch tư tưởng của người thầy. Ông đưa ra những chỉ đạo riêng của ông có xu hướng đẩy dân Xì Trum đi theo những lý tưởng hữu khuynh và trong nhiều tập truyện ông khích động họ nên bãi bỏ làng – cũng như Léon Trotski đề xuất giải thể Liên bang Xô Viết.
8. Ý đồ cá nhân dẫn đến thảm hoạ. Vốn sáng tạo và cần cù, Tí khéo tay, theo đúng hình ảnh ông chủ xí nghiệp được chủ nghĩa tư bản ca ngợi, lao vào những thí nghiệm thường xuyên dẫn đến thất bại.
9. Hình ảnh Gargamel là một chân dung biếm hoạ của chủ nghĩa tư bản quốc tế. Khao khát tiền bạc, Gargamel chỉ có mỗi một ý tưởng trong đầu, dẫn đến cơn mê sảng độc tưởng: ông muốn bắt dân Xì Trum để biến họ thành vàng. Đại biểu cho kẻ ngoại bang tham lam, áp đặt và độc đoán, Gargamel có những nét giống “những tay tư bản ngoại lai” trong các tranh biếm ở Liên Xô. Và đương nhiên là bài Mỹ. Ta có thể thấy điều đó qua tên con mèo của Gargamel, Azraël, một từ gần giống như đồng minh lâu đời của Mỹ, Israël.
10. Nhưng liệu cha đẻ của Xì Trum có theo chủ nghĩa cộng sản? Điều đó không lấy gì làm chắc. Peyo – bút danh của Pierre Culliford – chỉ muốn tạo ra sự cuốn hút trẻ em. Peyo – sinh ngày 25.6.1928 – chưa bao giờ bày tỏ chính kiến của mình. Ông chỉ lo làm giàu cho gia đình mình từ những thành công gặt hái từ các chú lùn da xanh.
Ngược lại, người ta có thể đặt vấn đề về nhân vật trong bóng tối: Yvan Delporte. Là người viết kịch bản tranh và chủ biên tạp chí Spirou, ông đương nhiên là giúp Peyo tạo ra những Xì Trum và viết kịch bản cho nhiều truyện trong bộ album Xì Trum. Và, ông cũng nổi tiếng là người theo chủ nghĩa chống tuân thủ, sáng lập viên tờ Trombone illustré, một phụ bản của tờ Spirou, giương cao “tinh thần 68” trong tờ tuần san. Từ đó có thể hình dung rằng tinh thần đối lập của Delporte là linh hồn thực sự của Xì Trum… Tuy có xì trum nhưng đúng là quá xì trum đi chứ!
Bình luận (0)