Nghe thấy gì bất thường, nên tìm đường thoát
Nhiều người sống sót sau vụ khủng bố Paris cho biết họ đã nhầm những tiếng súng đầu tiên là màn bắn pháo hoa. Chuyên gia tâm lý và hướng dẫn sinh tồn John Leach nói với đài BBC rằng đây là những trường hợp điển hình. Họ không chuẩn bị tâm lý cho một cuộc nổ súng nên cũng không thể nhanh nhạy tìm đường sống.
Vì vậy, khi chứng kiến một cái gì đó phi logic (như tiếng pháo hoa vào một ngày bình thường nói trên), hãy phản ứng và lập tức chú ý đến nơi nào có thể thoát khỏi hiện trường một cách nhanh nhất. Điều đó sẽ cứu sống bạn.
Hành động quyết đoán, nhanh nhạy
Hầu hết mọi người đều tỏ ra bối rối nếu ở trong hoàn cảnh một vụ khủng bố. Ông Leach thống kê được chỉ có 15% số người gặp nguy hiểm phản xạ theo cách giúp họ tồn tại, 75% hoang mang trước diễn biến xung quanh và 10% còn lại hành động theo kiểu “tự chui đầu vào chỗ chết”.
Vậy nên, lời khuyên là hãy hành động quyết đoán, nhanh nhạy, bình tĩnh suy nghĩ và phân tích tình huống để gia tăng cơ hội sống sót.
Hành động đơn giản
Cựu quân nhân Anh Ian Reed cho rằng nếu gặp khủng bố, hãy thoát ra khỏi con đường mà những kẻ tấn công đang và có thể sử dụng càng nhanh càng tốt. Bạn nằm trong tầm mắt của chúng thì sẽ không thể nào không bị lãnh đạn. Hoặc chỉ đơn giản là nằm ngay xuống đất nhưng cách tốt nhất là tìm một bức tường bê-tông hoặc đại loại một tấm cứng nào đó để trú ẩn.
Trong một số tình huống, giả chết hoặc bỏ chạy thật nhanh có thể giúp cứu sống bạn.
Chống cự lại
Hồi tháng 8-2015, một tay súng đơn độc bị hành khách trên xe lửa ở Pháp khống chế khi hắn chưa kịp thực hiện vụ thảm sát. Chống lại những kẻ tấn công dù không phải phương án tối ưu nhưng nếu ở vào đường cùng, bạn phải làm như vậy vì “kẻ thù không chết thì bạn có thể chết”.
Tuy nhiên, những kẻ khủng bố thường đi từng nhóm, mặc áo giáp và mang thuốc nổ nên trừ khi không còn lựa chọn nào khác, bạn mới nên chống cự lại chúng.
Cảnh giác dù đã thoát
Ngay cả khi đã chạy khỏi hiện trường, bạn vẫn cần cảnh giác cao độ. Trốn càng xa càng tốt, tiếp tục nấp sau những bức tường và tìm đến lực lượng an ninh để được giúp đỡ. Không gia nhập các nhóm đông người và tránh đi các phương tiện công cộng. Nếu có thể, hãy nhờ cảnh sát chỉ dẫn và làm theo.
Giúp đỡ người khác
Nhà tâm lý học và chuyên gia về hành vi đám đông Chris Cocking đưa ra lời khuyên hãy giúp đỡ người khác trong cùng một nhóm khi gặp phải một vụ khủng bố vì đoàn kết sẽ làm tăng cơ hội sống sót của bạn và những người xung quanh.
Bình luận (0)