Kim cương Koh-i-Noor là tâm điểm trong hàng loạt cuộc tranh đoạt và âm mưu kéo dài hàng thế kỷ, từng thuộc sở hữu của nhiều người như các hoàng tử Mughal, chiến binh Iran, những người cai trị Afghanistan và các hoàng tử Ấn Độ vùng Punjab.
Viên đá quý nặng 105 carat này rơi vào tay người Anh vào giữa thế kỷ 19 và được đem đi trưng bày trong bộ sưu tập Trang sức Hoàng gia ở Tháp London. Quyền sở hữu viên kim cương này là một chủ đề nhạy cảm đối với nhiều người Ấn Độ vì họ cho rằng nó bị người Anh cướp đi.
Quyển sách có tựa đề "Kohinoor: The Story Of The World's Most Infamous Diamond" (tạm dịch: Kohinoor: Câu chuyện về viên kim cương tai tiếng nhất thế giới) của 2 tác giả William Dalrymple và Aniat Anand tiết lộ những giai thoại chính xoay quanh viên kim cương vô giá này.
Viên kim cương gây tranh cãi Koh-i-Noor. Ảnh: Gem Select
Sau khi Toàn quyền Anh tại Ấn Độ, hầu tước Dalhousie, có được viên Koh-i-Noor vào năm 1849, ông muốn gửi nó cùng bản lịch sử chính thức của viên đá đến Nữ hoàng Victoria nên giao cho Theo Metcalfe, một trợ lý thẩm phán có máu cờ bạc và tiệc tùng ở Delhi, nhiệm vụ nghiên cứu viên đá.
Bằng cách nào đó, ông Metcalfe đã thu thập được hàng loạt tin đồn hết sức phong phú liên quan tới viên kim cương. Kể từ đó, những thông tin này được ghi chép lại trong hàng loạt bài báo, quyển sách và được xem là lịch sử thật sự của viên Koh-i-Noor.
Dưới đây là 6 trong số những "thần thoại" chính liên quan đến viên đá được viết trong cuốn sách của 2 tác giả Dalrymple và Anand.
Thần thoại 1: Koh-i-Noor là viên kim cương ưu việt của Ấn Độ
Sự thật: Viên Koh-i-Noor, nặng 190,3 metric carat khi đến Anh, có ít nhất 2 viên đá anh em khác là Darya-i-Noor (hay còn gọi là "Biển ánh sáng") và Great Mughal. Viên Darya-i-Noor nặng khoảng 175-195 metric carat, hiện đang ở thủ đô Tehran của Iran. Viên còn lại, Great Mughal, nặng 189,9 metric carat.
Cả 3 viên kim cương bị đem đi khỏi Ấn Độ như một phần chiến lợi phẩm của vị vua Ba Tư Nader Shah khi ông xâm lược nước này vào năm 1739. Chỉ đến đầu thế kỷ 19, sau khi đến được bang Punjab, viên Koh-i-Noor mới bắt đầu nổi tiếng và được săn đón.
Viên Koh-i-Noor được đính trên mũ miện của mẹ nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: REUTERS
Thần thoại 2: Koh-i-Noor là viên kim cương hoàn mỹ
Sự thật: Bản gốc khi chưa được cắt của viên kim cương có một vết rạn ở ngay trung tâm.
Các vết rạn xuất hiện dọc theo phần trung tâm, một trong số đó khá lớn và làm ảnh hưởng đến khả năng khúc xạ của viên đá quý. Đó là lý do vì sao hoàng thân Albert, chồng của nữ hoàng Victoria, lại trở nên sốt sắng trong việc cắt lại viên kim cương.
Ngoài ra, viên Koh-i-Noor cũng không phải là viên kim cương lớn nhất thế giới khi nó chỉ xếp thứ 90. Trong thực tế, các du khách đến Tháp London chiêm ngưỡng bộ sưu tập còn thường ngạc nhiên về kích cỡ nhỏ bé của Koh-i-Noor, đặc biệt là khi so sánh với 2 viên kim cương Cullinan được trưng bày gần đó.
Thần thoại 3: Viên Koh-i-Noor được tìm thấy ở mỏ Kollur - Ấn Độ vào thế kỷ 13
Sự thật: Việc biết được địa điểm và thời gian tìm thấy viên Koh-i-Noor là điều bất khả thi. Đây là nguyên nhân khiến viên kim cương này thật sự huyền bí.
Một số người tin rằng viên Koh-i-Noor thật ra là viên đá quý huyền thoại Syamantaka trong cổ tích sử thi Ấn Độ Bhagavad Purana về thần Krishna, một trong những vị thần nổi tiếng nhất trong đạo Hindu. Theo thông tin mà ông Theo Metcalfe thu thập được, các truyền thuyết lưu lại rằng viên Koh-i-Noor "xuất hiện trong thời kỳ của thần Krishna".
Có một điều chắc chắn là viên đá này không được khai thác từ mỏ mà là được khai quật từ một lòng sông khô, có thể là ở phía Nam Ấn Độ. Kim cương Ấn Độ chưa bao giờ được khai thác tại những khu mỏ mà thường được tìm thấy trong các lớp bồi tích của lòng sông khô.
Viên Koh-i-Noor trên hoa cài áo của nữ hoàng Victoria. Ảnh: Bridgeman Images
Thần thoại 4: Koh-i-Noor là kho báu quý giá nhất của đế quốc Mughal.
Sự thật: Trong khi những người theo đạo Hindu hay đạo Sikh ưa thích kim cương hơn bất kỳ loại đá nào khác thì người Mughal và Ba Tư lại ưu ái những loại đá lớn có màu sắc tươi sáng và không được cắt gọt.
Trong kho báu của đế quốc Mughal, viên Koh-i-Noor dường như chỉ là một trong số những điểm nổi bật trong bộ sưu tập đá quý lớn nhất từng được tập hợp. Những viên đá có giá trị nhất lại không phải kim cương mà là đá spinel đỏ từ Badakhshan và hồng ngọc từ Myanmar.
Trong thực tế, hoàng đế Mughal Humayun còn trao tặng viên kim cương của Babur - được nhiều người cho rằng chính là viên Koh-i-Noor - cho quốc vương Tahmasp của Ba Tư khi ông này sống lưu vong.
Thần thoại 5: Viên Koh-i-Noor bị đánh cắp khỏi hoàng đế Mughal Muhammad Shah Rangila bằng cách đánh tráo khăn xếp.
Câu chuyện phổ biến được truyền lại là vua Ba Tư Nader Shah âm mưu tước đoạt viên kim cương của hoàng đế Mughal, vốn được giấu trong chiếc khăn xếp. Nhưng thực chất, hoàng đế Muhammad Shah không thể nào giữ viên đá quý một cách lỏng lẻo bên trong khăn xếp để vua Ba Tư có thể đánh tráo được.
Theo lời kể của một nhân chứng là nhà sử học Ba Tư Marvi, hoàng đế Mughal không thể giấu đá quý trong khăn xếp vì vào thời gian đó, nó là một phần của chiếc ngai vàng tráng lệ và đắt đỏ nhất từ được làm ra: Ngai vàng Chim công của hoàng đế Mughal Shah Jahan. Viên đá quý khi đó được khảm vào đầu con chim công trên chiếc ngai vàng tuyệt mỹ này.
Hoàng đế Mughal Shah Jahan và ngai vàng con công nổi tiếng. Ảnh: AKG-Images
Thần thoại 6: Viên Koh-i-Noor bị cắt vụng về khiến kích thước giảm đáng kể.
Sự thật: Theo du khách và nhà buôn đá quý người Pháp Jean-Baptiste Tavernier, người được hoàng đế Mughal Aurangzeb cho phép chiêm ngưỡng bộ sưu tập đá quý cá nhân của ông, thì viên Koh-i-Noor được một thợ cắt tên Hortensio Borgio xử lý. Ông Borgio đã "tàn nhẫn" cắt một phần lớn của viên đá, khiến kích thước của nó bị giảm đi một cách đáng tiếc.
Tuy nhiên, ông Tavernier xác định rằng viên bị cắt hỏng là viên kim cương Great Mughal, vốn được nhà buôn Mir Jumla tặng cho hoàng đế Shah Jahan.
Ngày nay, phần lớn các học giả đều bị thuyết phục rằng viên Great Mughal thực chất là viên kim cương đen Orlov được đính trên trượng của nữ hoàng nước Nga, Catherine Đại đế.
Kể từ khi những viên kim cương khác của đế quốc Mughal phần lớn đều bị lãng quên, tất cả các đề cập về những viên kim cương phi thường của Ấn Độ trong các tư liệu lịch sử đều được xem là viên Koh-i-Noor.
Bình luận (0)