Người truy lùng những tên tội phạm chiến tranh
Adolf Eichmann, sĩ quan cao cấp của lực lượng SS, một trong những "kiến trúc sư” của chính sách diệt chủng Do Thái tiến hành bởi Đức quốc xã; Karl Silberbauer, viên cảnh sát Áo đã bắt thiếu nữ Anne Frank đày vào trại tập trung Bergen- Belsen; Franz Stangl, chỉ huy trưởng hai trại tập trung hủy diệt Treblinka và Sobibor ở Ba Lan... là ba trong số khoảng 1.100 tên tội phạm chiến tranh đã bị Simon Wiesenthal truy lùng và đưa ra trước tòa án để công lý được thực thi.
Mấy thập niên qua, ông được xem như là người đại diện thường trực của 6 triệu người Do Thái đã chết bi thảm trong các trại tập trung tàn sát mà Đức quốc xã dựng nên ở nhiều nước châu Âu trong thời thế chiến 2. Vì chính ông đã là một người may mắn sống sót qua 5 khu trại tử thần như vậy. Nhưng 89 người thân trong họ hàng của Simon Wiesenthal và của vợ ông thì không có được may mắn đó.
Không chỉ truy lùng những tên đồ tể hành động theo lệnh của Adolf Hitler, Simon Wiesenthal đã rất nhiều lần lên tiếng chống chủ nghĩa bài Do Thái, phân biệt chủng tộc. “Những gì người Do Thái đã kinh qua trong thế chiến 2 phải là một bài học nằm lòng cho toàn nhân loại”, ông đã nói như thế, "Khi kịch sử nhìn lại, tôi muốn mọi người ở mọi nơi phải biết rằng bọn quốc xã đã phải trả giá vì tội sát hại nhiều triệu người".
Năm 1941, lần đầu tiên Simon Wiesenthal bị đưa đến trại tập trung Janwska ở ngoại ô Lviv, Ukraina. Tháng 10-1943, ông trốn được khỏi trại tập trung lao động phục vụ cho Ostbahn (đường sắt ở Lviv) khi lính Đức bắt đầu giết người Do Thái trong đó. Nhưng tháng 6-1944, Simon Wiesenthal đã bị bắt và bị đưa trở lại trại Janwska. May mắn sao, ông thoát chết vì trước đà tiến quân của Hồng quân Liên Xô, lính SS đã tháo chạy, mang theo nhiều tù binh. Simon Wiesenthal nằm trong số này. Chỉ khi lính Mỹ đến giải phóng trại tập trung tàn sát Mauthausen ở Áo vào đầu tháng 5-1945 thì ông mới thoát khỏi sự đe dọa của thần chết.
Khi được hít thở không khí tự do, Simon Wiesenthal chỉ còn là một bộ xương di động nặng chưa tới 40 kg. "Rất nhanh, tôi hiểu rằng mình sẽ chẳng thể có cuộc sống hoàn toàn tự do nếu như công lý không được thực thi cho những người thân trong gia đình và vô số những người Do Thái khác đã phải chết trong các trại tập trung”, ông nói, “Tìm kiếm công lý cho mấy triệu con người đã trở thành một nhiệm vụ trọng đại của tôi. Tôi tưởng việc này sẽ chiếm của tôi vài năm nhưng không ngờ nó đã kéo dài mấy chục năm”. Simon Wiesenthal đã tình nguyện giúp các sĩ quan điều tra tội ác chiến tranh thuộc lực lượng bộ binh Mỹ, sau đó là giúp Ofice Of Strategic Services (tiền thân của CIA) và Cục Phản gián Mỹ.
Sống trong một thế kỷ bạo lực
Simon Wiesenthal sinh ra và lớn lên trong một thế kỷ đầy bạo lực. Ông chào đời ngày 31-12-1908 trong một gia đình Do Thái tại thị trấn Buczacz, gần thành phố Lviv của Ukraina ngày nay. Simon Wiesenthal học ở Prague và Warsaw, năm 1932 nhận bằng kỹ sư công trình dân dụng.
Tại sao Simon Wiesenthal trở thành người truy lùng tội phạm chiến tranh Đức quốc xã là một câu hỏi đã được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Trên tạp chí New York Times số tháng 2-1964, Clyde Farnsworth đã viết rằng có một lần Simon Wiesenthal đến dự lễ Sabbath ở nhà một người bạn từng bị giam giữ chung với ông trong trại tập trung Mauthausen. Người bạn này khi ấy đã là một nhà sản xuất kim hoàn rất thành đạt. Sau bữa cơm tối, người bạn này nói rằng nếu như trở về với nghề xây dựng thì chắc chắn Simon Wiesenthal cũng đã trở thành một triệu phú. "Simon, tại sao anh không làm việc ấy?", người bạn hỏi. Và Simon đã trả lời rằng: "Cả anh và tôi đều tin có Thượng Đế nên tin có sự sống kiếp sau. Khi chuyện ấy xảy ra, chúng ta sẽ gặp lại mấy triệu người Do Thái đã bị Hitler sát hại. Họ sẽ hỏi chúng ta đã làm gì sau khi sống sót và thoát khỏi trại tàn sát. Bạn nói với họ rằng bạn trở thành nhà kim hoàn, một người khác thì khoe rằng anh ta buôn lậu cà phê và thuốc lá Mỹ, người khác nữa thì kể rằng mình đã xây dựng nhiều căn nhà. Còn tôi thì sẽ nói với họ rằng tôi đã không hề quên họ".
Ông đã rất tức giận với chính mình vì đã không thể lùng ra được dấu vết của bác sĩ Josef Mengele, kẻ mang biệt danh “Thiên thần của sự chết" vì các thử nghiệm kinh khủng tiến hành trên những người Do Thái bị nhốt trong trại tập trung Auschwitz. Tên đồ tể này đã chết như một cụ già bình thường tại Nam Mỹ sau nhiều thập niên thoát lưới pháp luật quốc tế.
Bình luận (0)