Tàu InSight sẽ hạ cánh xuống một khu vực bằng phẳng ở phía Bắc đường xích đạo của sao Hỏa, có tên là Elysium Planitia. Con tàu này mang theo nhiều thiết bị, phần lớn được sản xuất từ châu Âu, để xác định cấu trúc bên trong của hành tinh Đỏ.
Nếu thành công, tàu InSight nhiều khả năng sẽ hạ cánh xuống sao Hỏa vào khoảng 19 giờ 53 phút (giờ GMT) ngày 26-11, tức khoảng 2 giờ 53 phút ngày 27-11 (giờ Việt Nam).
Cũng như những nhiệm vụ khảo sát địa chất trước, InSight phải sống sót "7 phút tử thần" – thời gian cần thiết để một con tàu đi xuyên qua bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa với vận tốc siêu thanh trước khi giảm tốc độ và hạ cánh.
"Khả năng thành công của chúng ta là dưới 50%. Đi vào sao Hỏa thật sự rất, rất khó" – Giám đốc Khoa học của NASA, ông Thomas Zurbuchen, chia sẻ.
Những tàu từng thành công, thất bại và thành công một phần trong việc đáp xuống sao Hỏa. Ảnh: BBC
Dù vậy, các kỹ sư nhận nhiệm vụ điều khiển tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA tại California khẳng định họ rất tự tin vào nhiệm vụ lần này vì họ "đã hoàn thành mọi sự chuẩn bị cần thiết" mà họ có thể nghĩ tới để đảm bảo nhiệm vụ thành công.
Theo BBC, nhiệm vụ lần này của NASA là rất đặc biệt vì nó là cuộc thăm dò đầu tiên trong hành trình khám phá cấu trúc bên trong của sao Hỏa.
Các nhà khoa học đã hiểu rất rõ cấu trúc bên trong của trái Đất và từ đó, họ phần nào giải đáp được cách Hệ Mặt trời ra đời vào 4,5 tỉ năm trước. Tuy nhiên, trái Đất chỉ là một nguồn dữ liệu và sao Hỏa sẽ mang lại cho các nhà nghiên cứu một cái nhìn mới về quá trình hình thành và phát triển của một hành tinh đá theo thời gian.
Giám đốc Khoa học InSight, ông Bruce Banerdt, cho biết: "Những chi tiết nhỏ về quá trình phát triển của các hành tinh cũng có thể tạo ra sự khác biệt giữa một địa điểm như trái Đất, nơi bạn có thể đi nghỉ dưỡng và tắm nắng và một địa điểm như sao Kim, nơi bạn có thể bị thiêu cháy chỉ trong vài dây hoặc một địa điểm như sao Hỏa, nơi bạn bị đóng băng đến chết".
Việc nghiên cứu sao Hỏa sẽ giúp các nhà khoa học có cái nhìn mới về quá trình hình thành và phát triển của một hành tinh đá. Ảnh: NASA
Bình luận (0)