Hoàn cảnh của số người sống độc thân tại nước Pháp rất đa dạng, có nhiều nguyên nhân, nhưng đều có chung một số phận: sự cô đơn không dễ khắc phục. Trong số 9 triệu người độc thân, có 3,3 triệu người ở vậy suốt đời, 2,5 triệu ông chồng góa vợ, 1,8 triệu không lấy chồng mà có con, 1,1 triệu người ly hôn, 300.000 người sống ly thân. Riêng với giới mày râu sống độc thân, 55% không hề lấy vợ, 18% ly hôn, 12% góa vợ, 8% ly thân, 7% một mình nuôi con. Người Pháp hy vọng trước thực tế phũ phàng của sự cô đơn trong cuộc sống, những người ưa thích sống tự do, không thích sự phụ thuộc, sẽ tỉnh ngộ. Hiện nay, thực tế số người cam chịu sống độc thân suốt đời đã đạt đến mức trần, không còn tăng nữa.
Đa số người Pháp vẫn nuối tiếc những hình mẫu cũ về cuộc sống gia đình chung thủy. Nhà xã hội học Louis Roussel phân tích: “Trong những năm 60, nước Pháp vẫn còn một hình mẫu đoàn tụ: Vợ chồng cưới nhau để sống suốt đời. Cuộc đời khá đơn giản. Rồi phong trào ly hôn xuất hiện bắt đầu từ năm 1975 và chỉ trong vài năm, số vụ ly hôn tăng với nhịp độ 10 - 40%. Tiếp theo là lối sống tự do không hôn thú, tập quán tránh thai trở nên phổ biến, phụ nữ có việc làm ngày càng nhiều và có thể sống độc lập về tài chính. Những đổi thay như thế diễn ra hết sức nhanh chóng. Tất cả các yếu tố đó cộng lại làm xuất hiện thực tế hôm nay: Cuộc sống chung nam nữ không còn cần thủ tục công khai mà hoàn toàn riêng tư. Đó là cuộc cách mạng về hôn nhân và sống chung tự do, hợp hay tan hoàn toàn do hai đương sự quyết định”. Có thể nói, cuộc giải phóng tình dục và yêu đương đã mang lại cho những cá nhân nam nữ một món quà tuyệt vời nhưng ẩn chứa nhiều nọc độc: tự do lựa chọn, thích thì hợp, chán thì tan, anh đi đằng anh tôi đi đằng tôi. Cứ thế người ta nhẹ nhàng đi vào cuộc sống độc thân vì sự gắn bó nam nữ giờ đây không còn là mối quan hệ cố định nữa.
Thực ra, những người sống độc thân có rất nhiều tâm trạng. Cô Sarah, 30 tuổi, than thở: “Chỉ khi nào người đời không thành kiến với những người độc thân thì chúng tôi mới có thể sống bình thường. Trong gia đình, tôi thuộc loại người thứ ba. Ai cũng muốn biết tại sao tôi sống cô đơn. Đối với cha mẹ tôi, có một đứa con gái không chồng là một thất bại lớn”.
Tại Pháp, có rất nhiều câu lạc bộ người sống độc thân và hình thức hội chợ hàng năm để họ giao du mong phần nào làm dịu nỗi cô đơn. Các kênh truyền hình thường lui tới các câu lạc bộ để tìm chủ đề. Giám đốc câu lạc bộ Eurofit cho biết: “Đưa tin về chủ đề này đã trở thành mốt. Nhưng các thành viên câu lạc bộ sẵn sàng trả lời báo viết, còn hầu hết từ chối cho tivi phát hình vì không muốn bị phơi mặt tại nơi treo biển “dành cho người độc thân”.
Việc hoàn toàn giải phóng phụ nữ cũng là một nguyên nhân khiến phụ nữ lâm vào cảnh độc thân. Nhà xã hội học Jean - Claude Kaufmann giải thích: “Phụ nữ khi đã độc lập về tài chính và nghề nghiệp thường muốn lấy một ông chồng cao hơn hẳn về địa vị xã hội và chuyên môn làm chỗ dựa. Cũng như vậy, đàn ông không muốn sống chung với người vợ thành đạt hơn mình”. Chính cái vòng luẩn quẩn đó dẫn đến sống độc thân.
Để thoát khỏi cảnh sống cô đơn, nhiều người sống độc thân vẫn muốn tìm người bạn đời “vừa ý” nhưng không dễ dàng. Ông Roger, 50 tuổi, ly dị vợ, tâm sự: “Sống độc thân tôi được tự do chu du khắp nơi, muốn làm gì thì làm. Nhưng có những lúc đến nơi tận cùng trái đất, thấy phong cảnh đẹp, một mình chẳng biết chia sẻ cảm xúc cùng ai. Thử hỏi sống như thế phỏng có ích gì? Tôi không nghĩ rằng người ta sinh ra để sống cô độc một mình. Dẫu sao tôi không bao giờ quen được cuộc sống đó”.
Bình luận (0)