“Đang có một cuộc thảo luận liên quan đến việc cử các lực lượng mặt đất hoặc các lực lượng đặc biệt đến Syria để tham gia vào liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu và Ả Rập Saudi đã bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp các lực lượng đặc biệt tham gia vào các chiến dịch này nếu liên quân do Mỹ dẫn đầu đánh giá việc này là cần thiết”, Ngoại trưởng Adel al-Jubeir thông tin sau 2 ngày làm việc liên tục với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel Al-Jubeir cho biết nước này sẽ cử lực lượng đặc biệt sang Syria nếu liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đánh giá điều này là cần thiết. Ảnh: AAP
Tuy nhiên, ông Al-Jubeir từ chối đề cập cụ thể số lượng binh sĩ mà Ả Rập Saudi có thể sẽ cử sang Syria.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry phát biểu: “Chúng tôi hoan nghênh đề xuất của phía Ả Rập Saudi về việc tăng cường lực lượng mặt đất cho chiến dịch tại Syria. Nhưng việc cử quân sẽ được tiến hành cụ thể ra sao thì lúc này chúng tôi chưa thể nói chính xác được”.
Bốn tháng không kích của Nga tại Syria đã khiến lợi thế nghiêng về quân đội chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hôm 8-2, quân đội Syria đã tiến về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong một đợt tấn công được Nga và Iran yểm trợ. Phía quân nổi dậy cho rằng đợt tiến công này đã đe dọa đến tương lai cuộc khởi nghĩa chống ông Assad kéo dài gần 5 năm của họ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng phản đối việc đưa quân đội Mỹ sang can thiệp nội chiến Syria sau những kinh nghiệm của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, nhưng năm ngoái ông cũng đã quyết định triển khai 50 đội đặc nhiệm Mỹ sang Syria.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 8-2 tuyên bố sẽ rút 6 máy bay chiến đấu của nước này đang thực hiện các nhiệm vụ không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Iraq và Syria từ ngày 22-2. Động thái này sẽ chấm dứt vai trò gây tranh cãi của Canada trong cuộc chiến chống IS.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố rút 6 chiến đấu cơ tại Ottawa hôm 8-2. Ảnh: Reuters
6 máy bay chiến đấu của Canada đã bắt đầu không kích tại Syria từ tháng 11 năm 2014 dưới thời chính phủ của Đảng Bảo thủ. Đảng Tự do của ông Trudeau khi chiến thắng cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 10 năm ngoái đã hứa sẽ thu hồi các máy bay chiến đấu này, nhưng họ lại chịu áp lực do các đồng minh e ngại rằng quyết định rút máy bay của Canada sẽ làm suy yếu nỗ lực chống IS của liên quân.
Thủ tướng Trudeau phát biểu trong cuộc họp báo về quyết định này: “Chúng ta không thể làm hết mọi thứ. Chúng ta được dẫn dắt bởi khát khao được làm những gì trong khả năng để giúp đỡ cho khu vực và làm sao cho đúng cách. Những người bị khủng bố bởi IS không cần chúng ta trả thù mà cần sự giúp đỡ của chúng ta hằng ngày”.
Canada sẽ chấm dứt chiến dịch ném bom từ ngày 22-2, nhưng vẫn sẽ để lại 2 máy bay do thám trong khu vực này cùng một máy bay tiếp nhiên liệu, đồng thời sẽ tăng gấp 3 lần số binh sĩ huấn luyện cho chiến binh người Kurd tại miền Bắc Iraq. Tổng số binh sĩ Canada làm nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng người Kurd sẽ lên đến khoảng 200.
Các quan chức Mỹ hoan nghênh tuyên bố này của phía Canada. Trước đó, Mỹ và các đồng minh đều duy trì áp lực ngoại giao để thuyết phục Canada đưa ra quyết định này càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)