Thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 4-1 có ngày giao dịch đầu năm tồi tệ nhất từ trước đến giờ. Chỉ số Shanghai Composite giảm 6,85% trong lúc chỉ số Shenzhen Composite giảm đến 8,16% - mức giảm trong ngày nhiều nhất kể từ hôm 27-2-2007, theo báo Financial Times (Anh).
Đáng chú ý là chỉ số Hushen 300 (phản ánh hoạt động của 2 thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến) giảm đến 7% khiến thị trường chứng khoán nước này ngưng giao dịch từ lúc 13 giờ 28 phút (giờ địa phương) đến hết ngày nhằm ngăn tình hình thêm tồi tệ.
Như vậy, Bắc Kinh đã sử dụng cái gọi là cơ chế “ngắt mạch” ngay trong ngày đầu tiên nó có hiệu lực. Theo cơ chế này, nếu chỉ số Hushen 300 tăng hoặc giảm 5% so với cuối phiên giao dịch trước và điều này diễn ra trước 14 giờ 45 phút (giờ địa phương), thị trường sẽ ngừng giao dịch trong 15 phút.
Sau cột mốc 14 giờ 45 phút, một lần biến động 5% nữa sẽ buộc thị trường ngưng giao dịch cho đến khi thị trường đóng cửa lúc 15 giờ. Ngoài ra, ngay khi có mức tăng hay giảm 7%, thị trường sẽ ngưng giao dịch đến hết ngày.
Quay lại diễn biến ngày 4-1, theo Tân Hoa Xã, thị trường chứng khoán Trung Quốc ngưng giao dịch 15 phút lúc 13 giờ 13 phút. Ngay khi mở cửa lại, chỉ số Hushen 300 giảm tiếp 2% khiến giao dịch bị ngưng đến cuối ngày. Ông Andrew Sulli-van, nhà quản lý của Công ty Haitong International Securities Group (Hồng Kông), giải thích các nhà đầu tư cá nhân ở Trung Quốc (chiếm hơn 80%) nhiều khả năng đã ồ ạt bán cổ phiếu sau lần ngưng đầu tiên do không muốn bị mắc kẹt trong lần ngưng đến hết ngày khiến chỉ số Hushen 300 tiếp tục lao dốc.
Ngoài ra, theo Reuters, nhà đầu tư còn tìm cách bán tháo cổ phiếu do lo ngại thị trường sẽ thừa mứa một khi lệnh cấm cổ đông lớn của các công ty niêm yết bán cổ phần hết hạn vào ngày 8-1 tới.
Cơ chế “ngắt mạch” được áp dụng nhằm hạn chế sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc sau mùa hè hỗn loạn hồi năm ngoái. Ông Jackson Wong, trợ lý giám đốc Công ty Huarong International Securities (Hồng Kông), cho rằng bất chấp ý định tốt nêu trên, biện pháp này dường như chỉ khiến nhà đầu tư Trung Quốc thêm bất an. “Mức dao động 5%-7% thường xảy ra ở thị trường Trung Quốc nên cơ chế “ngắt mạch” có thể không phải là ý tưởng hay” - ông Wong nói với đài Channel NewsAsia.
Điều càng khiến các nhà đầu tư lo lắng là việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ấn định tỉ giá tham chiếu ở mức 6,5032 nhân dân tệ đổi 1 USD, thấp nhất kể từ ngày 24-5-2011. Thị trường chứng khoán khắp châu Á, châu Âu và Mỹ chìm trong sắc đỏ sau khi tin xấu về kinh tế Trung Quốc lan truyền. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Tập đoàn Truyền thông Caixin và Công ty Cung cấp thông tin tài chính Markit giảm từ 48,6 trong tháng 11-2015 xuống còn 48,2 trong tháng 12-2015. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp chỉ số này ở dưới mức 50, qua đó thể hiện sản xuất bị thu hẹp. PMI của chính phủ cũng giảm 5 tháng liên tiếp bất chấp những biện pháp kích thích của Bắc Kinh.
Thực trạng trên càng khiến viễn cảnh của các nước xuất khẩu hàng hóa ở châu Á thêm u ám. “Dữ liệu về hoạt động của Trung Quốc còn lâu mới khiến người ta phấn khởi về sự hồi phục của nhu cầu toàn cầu. Các nước châu Á dự kiến tiếp tục vật lộn với xuất khẩu suy giảm trong lúc triển vọng tăng trưởng bị bao phủ bởi hoạt động sản xuất u ám” - Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) nhận định.
Bình luận (0)