"Hôm nay, Taliban tìm cách đánh vào Panjshir thông qua một tiền đồn ở phía Tây… nhưng cuộc tấn công của chúng đã bị chặn. Taliban hứng chịu thương vong và nhiều tay súng của chúng bị bắt giam. Tình hình trong khu vực hiện đã yên ổn" – nguồn tin này khẳng định.
Cũng theo người này, Taliban thời gian qua tập trung lực lượng quanh Panjshir và quá trình đàm phán đến giờ chưa mang lại kết quả nào. Taliban dường như đang chuẩn bị giao tranh và có vẻ cuộc tấn công nêu trên là một động thái thăm dò, người này khẳng định.
Ông Abdul Hafiz Mansoor, đại diện đàm phán của lực lượng chống Taliban ở Panjshir, trước đó cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF) và Taliban đã diễn ra tại TP Charikar, tỉnh Parwan – Afghanistan. Ông Mansoor cho biết thêm 2 phía nhất trí tiếp tục đàm phán hòa bình để tránh giao tranh vũ trang.
Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF) khẳng định họ muốn theo đuổi giải pháp hòa bình trước khi giao tranh với Taliban. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Fahim Dashti của lực lượng chống Taliban tuần rồi cho biết thỏa thuận ngừng bắn với phong trào này chỉ mới trong giai đoạn thảo luận. Ông Dashti khẳng định Panjshir không đồng tình với ý tưởng về một "đại diện biểu tượng của các nhóm thiểu số trong chính phủ" và quyết theo đuổi nỗ lực thành lập các cơ quan chính phủ thực sự hòa hợp.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn ANI (Ấn Độ) ngày 31-8, người dân địa phương Panjshir cho biết Taliban đã cắt mạng lưới viễn thông tại tỉnh này và họ không thể liên lạc với người thân tại những khu vực khác của Afghanistan.
Panjshir là tỉnh duy nhất của Afghanistan không bị Taliban kiểm soát. Lực lượng chống Taliban tại đây đang được dẫn dắt bởi Ahmad Massoud, con trai "mãnh sư Panjshir" Ahmad Shah Massoud (1953-2001) – cố lãnh đạo lẫy lừng của cộng đồng Tajik đương đầu với Taliban trong những năm 1990.
Ông Ahmad Massoud, con trai "mãnh sư Panjshir" Ahmad Shah Massoud. Ảnh: Reuters
Mỹ vô hiệu hóa hàng loạt khí tài quân sự trước khi rời Kabul
Tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, ngày 30-8 khẳng định nhiều thiết bị quân sự Mỹ từng được sử dụng ở Afghanistan đã được đưa ra khỏi quốc gia này trong khi nhiều thiết bị khác bị vô hiệu hóa.
Theo đài CNN, quân đội Mỹ để lại khoảng 70 xe thiết giáp chống mìn (MRAPV) trị giá khoảng 1 triệu USD mỗi chiếc, 27 phương tiện chiến thuật Humvee cùng 73 máy bay tại sân bay Kabul.
Lượng máy bay này đã bị vô hiệu hóa, nghĩa là chúng sẽ không bao giờ cất cánh trở lại được nữa, không ai có thể vận hành chúng khi quân đội Mỹ rời đi, Tướng McKenzie nhấn mạnh.
Xe quân sự của Mỹ ở sân bay quốc tế Hamid Karzai, Kabul - Afghanitsan. Ảnh: Reuters
Mỹ cũng bỏ lại hai hệ thống phòng không C-RAM, vốn được dùng để bảo vệ sân bay Kabul những ngày qua. Tổ hợp này đã bắn hạ 5 quả rốc-két do ISIS-K, nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan, phóng vào sân bay Kabul hôm 30-8.
"Chúng tôi quyết định cho các tổ hợp C-RAM hoạt động đến phút cuối. Phá hủy các hệ thống này rất phức tạp về thủ tục và tốn nhiều thời gian, do đó chúng tôi vô hiệu hóa chúng trước khi rời đi" - tướng McKenzie nói.
Bình luận (0)