Vua Musa chào đời năm 1280, lên ngôi năm 1312 và trị vì đến khi qua đời năm 1337. Sự giàu có của ông đến từ việc sở hữu những vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên, nổi bật là vàng và muối.
Vào thế kỷ XIV, Mali sản xuất gần một nửa sản lượng vàng của Cựu Lục địa (gồm châu Âu, châu Phi và châu Á). Khi đó, những túi bụi vàng được xem là tiền tệ trong vương quốc, còn những cục vàng tự nhiên được cất trong kho bạc, trở thành tài sản của nhà vua. Bên cạnh đó, một nguồn thu giúp vua Musa giàu càng thêm giàu là đánh thuế các đoàn lữ hành đi qua sa mạc Sahara mỗi năm.
Vào giai đoạn nói trên, nhiều nước châu Âu rơi vào tình cảnh đói nghèo và chiến tranh. Trái lại, nhiều vương quốc ở châu Phi lại phát triển rực rỡ. Trong thời gian nắm quyền, vua Musa không ngừng mở rộng đế chế, như sáp nhập TP Timbuktu và tái thiết lập quyền lực ở TP Gao. Đế chế của ông ước tính trải dài hơn 3.200 km, bao phủ một vùng lãnh thổ rộng lớn mà ngày nay là các quốc gia như Mauritania, Senegal, Gambia, Guinea, Burkina Faso, Mali, Niger, Nigeria và Chad.
Sử sách đặc biệt ghi nhận chuyến hành hương để đời của ông, một người Hồi giáo sùng đạo, đến Thánh địa Mecca năm 1324. Hành trình dài gần 6.500 km này mất 2 năm để hoàn thành.
Đoàn hành hương của vua Musa được cho là có đến 60.000 người dù con số này bị xem là hơi phóng đại. Trong số này, có 500 quân lính bảo vệ, người hầu, đầu bếp, người điều khiển lạc đà, khuân vác và người chăn nuôi gia súc.
Biên niên sử còn ghi rằng vua Musa mang theo đến 12.000 nô lệ để khuân vác nhiều thứ, trong đó có những thỏi vàng nặng gần 2 kg. Đó là chưa kể 80 con lạc đà, mỗi con nài 136 kg vàng. Như vậy, người ta ước tính tổng cộng 36 tấn vàng đã được mang theo, tương đương 1,5 tỉ USD hiện nay. Đây là số tiền lớn không thể tưởng tượng được vào thời trung cổ.
Khi đến Cairo - Ai Cập, vua Musa bố thí cho người nghèo và trao quà cho những người cai trị tại địa phương để củng cố quan hệ. Ông tặng riêng nhà vua Ai Cập 50.000 đồng tiền vàng (tương đương 200 kg vàng). Tuy nhiên, việc vua Musa và đoàn tùy tùng chi tiêu quá mạnh tay đã gây ra lạm phát nghiêm trọng tại Cairo, khiến thành phố này phải mất nhiều năm mới hồi phục.
Trong suốt hành trình, vua Musa không chỉ dành tiền vàng vào rượu, phụ nữ, quần là áo lượt, hát xướng... mà còn cho xây đền thờ và trường học tại nhiều nơi đoàn đi qua. Nhiều nơi trong số này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Ông cũng đưa về những học giả giúp thành lập một trường đại học ở Timbuktu, khi đó là kinh thành của đế chế. Vào thời kỳ đỉnh cao, trường học này có đến 25.000 sinh viên, trong khi thư viện có 1 triệu bản viết tay. Nhiều tác phẩm loại này vẫn còn tồn tại đến giờ bất chấp làn sóng tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thời gian qua.
Bình luận (0)