Sự thật về cái chết của Abdel Fatah Younes, đó là yêu cầu của gia đình cố tham mưu trưởng lực lượng nổi dậy Libya. Ông Younes, 67 tuổi, cựu bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền ông Gaddafi, từng được coi là cánh tay mặt của ông này.
Ngày 22-2-2011 - tức sau khi phong trào nổi dậy chống ông Gaddafi bùng phát được một tuần - nhân cơ hội được ông Gaddafi biệt phái đến Benghazi để đập tan quân nổi dậy, ông bất ngờ “đào nhiệm” theo phe nổi dậy.
Thông tin rối mù
Hoàn cảnh dẫn đến cái chết của Younes, một vị tướng được nhiều người trong phe nổi dậy yêu mến, không rõ ràng. Nhật báo Mỹ The New York Times cho biết ông Younes đang chỉ huy mặt trận Brega thì có lệnh triệu tập của TNC (cơ quan đầu não của phe nổi dậy) trở về Benghazi, “thủ đô” của phe nổi dậy, ngay trong đêm 27-7.
Lý do: Ủy ban Tư pháp của TNC muốn nghe ông Younes điều trần về một số vấn đề liên quan đến quân sự trong khuôn khổ một cuộc điều tra về tin đồn ông Younes “đi đêm” với ông Gaddafi.
Tướng Abdel Fatah Younes. Ảnh: Getty Images
Sáng 28-7, trong khi ông Younes trả lời thẩm vấn - theo một nguồn tin Pháp thân cận với TNC - ông Mustapha Abdel Jalil, Chủ tịch TNC, dùng điện thoại thuyết phục ủy ban đình chỉ cuộc thẩm vấn.
Tướng Younes được thả về. Ba giờ sau, thi thể ông Younes ghim đầy đạn, bị đốt cháy đen một phần, cổ họng bị cắt đứt đã được tìm thấy cách Benghazi 40 km.
Trong vòng 48 giờ đầu tiên, thông tin rối mù. Phe này nghi ngờ phe kia. Dĩ nhiên, ông Gaddafi là người đầu tiên bị nghi ngờ đứng đằng sau vụ ám sát.
Ngày 6-8, Chủ tịch TNC tuyên bố trong một cuộc họp báo quốc tế rằng tướng Younes là nạn nhân của Gaddafi. Một ủy ban điều tra đặc biệt vụ án này - bao gồm một bác sĩ, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp TNC, 3 công tố viên và 4 nhà điều tra - đang điều tra theo hướng này.
Người đứng đầu chính quyền Libya có lý do để sát hại ông Younes bởi ông Younes đã phản bội ông. Chuyện ông Younes “trở cờ” theo phe nổi dậy là một đòn trí mạng đối với ông Gaddafi vì ông Younes nắm được nhiều bí mật của chính quyền Tripoli. Nhưng nếu đại tá Gaddafi có lý do để “xử” tướng Younes thì chưa chắc đại tá là người xuống tay.
Yêu sách của Liên minh 17-2
Theo hãng tin Reuters, đại tá Gaddafi nêu đích danh thủ phạm là Fauzi Bukatef, thủ lĩnh nhóm Liên hiệp Lực lượng Cách mạng (UFR), đồng minh của phe nổi dậy hoạt động ở miền Đông Libya. Trong Ban Chấp hành TNC, Bukatef giữ chức thứ trưởng quốc phòng.
Ngày 30-7, Bukatef đã chính thức lên tiếng phủ nhận thông tin của Tripoli. Trước báo giới, ông này cho biết đã xác định người được giao trách nhiệm “hộ tống” ông Younes là Mustafa Rubaa, người của UFR. Tuy vậy, quyết định “xử” ông Younes “của ai không rõ, không liên can đến UFR”.
Sự việc càng rối rắm khi ngày 3-8, Liên minh 17-2 chính thức yêu cầu 4 thành viên cao cấp của TNC từ chức sau cái chết của tướng Younes. Nếu không tự nguyện từ chức thì sẽ bị cách chức, theo hãng tin AFP.
Đó là Ali al-Essawi, Phó Chủ tịch TNC, người phê chuẩn đề xuất triệu tập ông Younes, một hành động mà Liên minh 17-2 cho rằng “bất hợp pháp và sỉ nhục” đối với ông Younes.
Người thứ hai là thẩm phán Jumaah al-Jazwi al-Obeidy, người soạn thảo lệnh triệu tập. Người thứ ba là Bộ trưởng Quốc phòng Jala al-Digheily và cuối cùng là Fauzi Bukatef.
Thầy trò al-Digheily và Bukatef đã bỏ “đi công cán ở Ai Cập” sau khi ra lệnh bắt tham mưu trưởng Younes. Nói cách khác là để lẩn trốn trách nhiệm xử lý vụ việc. Đây là lý do Liên minh 17-2 ra yêu sách cách chức.
Kiến nghị của Liên minh 17-2 có thể được coi là một chiêu “ném đá giấu tay” bởi, theo hãng tin Mỹ AP dẫn lời một nhân chứng là sĩ quan an ninh giấu tên của TNC, chính 2 tay súng thuộc Lữ đoàn Tử vì đạo của liên minh đã bắn chết tướng Younes và 2 đồng sự cấp tá rồi chở xác đi mất.
Dẫu sao, TNC đã làm nhiều hơn đòi hỏi của liên minh. Chủ tịch TNC đã giải tán “chính phủ” và yêu cầu “thủ tướng” Mahmoud Jibril thành lập “chính phủ” mới.
Chủ tịch TNC Mustapha Abdel Jalil. Ảnh: AFP
Nghi vấn “đi đêm”
Younes bị nghi ngờ điều gì? Theo nhật báo Le Quotidien d’Oran của Algeria, từ lâu có tin đồn tướng Younes “đi đêm” với chính quyền ông Gaddafi. Từ lúc mới gia nhập phe nổi dậy, ông Younes đã phải chứng tỏ rằng ông không phải là gián điệp nằm vùng của Tripoli.
Ông cũng phải đấu đá với nhiều người, nhất là Khalifa Hefter, cựu sĩ quan bộ binh của Gaddafi đào thoát sang Mỹ và trở thành người của CIA, lăm le chức tham mưu trưởng mà cuối cùng đã thuộc về ông.
Không ai biết rõ ông Younes có bí mật đàm phán với Tripoli hay không nhưng tin đồn cứ lan mãi trong nội bộ phe nổi dậy. Cũng có tin tướng Younes bị giết do thù oán. Một số người trong ban lãnh đạo Lữ đoàn Tử vì đạo xuất thân từ nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya nổi loạn chống ông Gaddafi hồi thập niên 1980 và bị ông Younes đè bẹp.
Sốt ruột trước sự bất lực của TNC, Moatsem - một trong 3 người con trai của tướng Abdel Fatah Younes - tuyên bố sẽ yêu cầu sự trợ giúp của Tòa án Hình sự Quốc tế The Hague nếu ủy ban điều tra của TNC tiếp tục giậm chân tại chỗ.
Moatsem than phiền: “TNC hành động quá chậm chạp. Cả tuần trôi qua mà gia đình chúng tôi không nhận được thông tin gì. Nếu không giải quyết được bằng luật, chúng tôi sẽ giải quyết bằng súng”.
Kỳ tới: Năm phe bảy phái
Bình luận (0)