Ngay khi trời vừa sáng, Indonesia đã nối lại hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 của hãng AirAsia sau khi nó mất tích sáng 28-12 trong lúc đang chở theo 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn từ Indonesia đến Singapore.
Ông Bambang Soelistyo, chỉ huy đội tìm kiếm cứu hộ Indonesia, cho biết nước ông đã phái 12 tàu, 3 trực thăng và 5 máy bay quân sự đến khu vực tìm kiếm gần đảo Belitung.Một số tàu vẫn tìm kiếm suốt đêm qua.
Malaysia đã cử 3 tàu và 1 máy bay C-130 plane trong khi Singapore gửi đến 2 tàu hải quân và 1 chiếc C-130. Úc, Mỹ, Anh, Hàn Quốc và Ấn Độ đều lên tiếng đề nghị giúp đỡ, từ tàu thuyền, máy bay đến các chuyên gia hàng không và điều tra.
Chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas tin rằng chiếc Airbus A320-200 gặp phải điều kiện thời tiết bất lợi nhưng phi công lại cho máy bay di chuyển với tốc độ thấp. "Tôi có một biểu đồ radar cho thấy phi công cho máy bay bay ở tốc độ 353 knot (hơn 653 km/h) ở độ cao 36.000 feet (11.000 m), chậm hơn khoảng 160 km/h so với vận tốc cần có ở độ cao này. Nếu dữ liệu radar chính xác thì phi công đã bay quá chậm ở độ cao đó. Điều này quá nguy hiểm" - ông Thomas nói.
Theo ông Thomas, điều này khó xảy ra ở một máy bay hiện đại như A320, do đó có thể lúc đó đã xuất hiện những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. “Chuyến bay AF447 của hãng Air France bị rớt xuống Đại Tây Dương năm 2009 trong điều kiện tương tự mà QZ8501 gặp phải. Bay chậm tại độ cao như vậy sẽ gây ra xáo trộn khí động học” – ông Thomas phát biểu.
Hệ thống radar của chiếc Airbus A320 không thuộc loại hiện đại nhất và có khả năng trục trặc khi gặp giông bão, làm phi công đưa ra những quyết định không chính xác, chuyên gia Thomas tiếp tục nêu giả thuyết.
Theo thông tin từ Indonesia, phi công của QZ8501 xin đổi lộ trình bay do thời tiết xấu trong lần liên lạc cuối, đồng thời muốn tăng độ cao lên 11.000 m để tránh mây. Tuy nhiên, yêu cầu tăng độ cao không được chấp thuận ngay vì gây trở ngại lưu thông trên trời. Trước khi phi công kịp phản hồi, chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar và không hề phát đi tín hiệu khẩn cấp nào.
Trong khi đó, tờ Herald Sun (Úc) dẫn lời một chuyên gia hàng không khác, ông Neil Hansford, khẳng định chiếc máy bay hơn 6 năm tuổi này chắc chắn được bảo trì và bảo dưỡng rất tốt nên không thể có vấn đề kỹ thuật. Hơn nữa, đội ngũ phi công được đào tạo bài bản để xử lý trong các tình huống không mong muốn.
Ông Hansford nhận định hỏng động cơ có thể là một nguyên nhân khiến máy bay rớt xuống nhưng chỉ trong trường hợp 2 động cơ đều không hoạt động. Nếu còn một động cơ, máy bay vẫn có thể về đích an toàn.
Ông Hansford không loại trừ việc chiếc Airbus A320-200 bị không tặc, sau vụ chuyến bay MH370 bị ép chuyển hướng, theo lời ông Hansford. Vị chuyên gia này cũng khẳng định sẽ tìm thấy máy bay nếu nó rơi xuống biển.
“Đây không phải là Ấn Độ Dương như vụ MH370. Đây là biển Java. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tìm thấy nhiên liệu trong nước biển và ghế ngồi trên bề mặt, cũng như các mảnh vỡ dạt vào một số hòn đảo gần đó” – ông Hansford kết luận.
Bình luận (0)