Hơn 6 năm đã trôi qua kể từ khi thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al-Qaeda Osama Bin Laden, cũng là kẻ chủ mưu vụ tấn công kinh hoàng ngày 11-9-2001 ở Mỹ, bị tiêu diệt. Suốt thời gian này, Al-Qaeda ẩn thân, âm thầm tập trung sức mạnh.
Chờ thời cơ trỗi dậy
Trong khi thế giới bị ám ảnh bởi sự tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thì Al-Qaeda đã và đang chơi một ván bài dài hơi. Đó là kiên nhẫn chờ thời cơ, tái tập hợp lực lượng một cách hiệu quả.
Những người phản đối chính phủ mang theo cờ của Al-Qaeda trong một cuộc biểu tình ở tỉnh Idlib - Syria Ảnh: REUTERS
Các phiến quân Al-Qaeda kỳ cựu đang làm tốt công việc của mình một cách đáng ngại. Một phần để cố tránh dính líu đến các đối thủ mới nổi lên, bọn chúng đã giảm nhẹ cường độ cuộc xung đột bè phái và nhấn mạnh mong mỏi giảm thiểu số thường dân bị thương vong. Jason Burke, nhà báo nổi tiếng thế giới chuyên viết hiện tượng nổi dậy Hồi giáo trong gần 20 năm, nhận định chiến lược này đã đem lại ích lợi đáng kể. Các chi nhánh của Al-Qaeda ở Somalia, Yemen và hơn cả là ở Syria đang lớn mạnh. Trong khi đó, IS phải gánh chịu mũi dùi từ các biện pháp chống khủng bố ở Syria và Iraq.
Tổ chức Al-Qaeda giai đoạn mới này tập trung vào việc củng cố sự ủng hộ lâu dài trong thế giới Hồi giáo. Theo nhận định của Tổ chức Tình báo độc lập Stratfor (Mỹ), Al-Qaeda đã đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về một hình mẫu của phong trào thánh chiến ôn hòa thay thế IS, đồng thời nhìn cuộc đấu tranh qua lăng kính của một chiến lược nổi dậy và "chiến tranh trường kỳ". Kết quả, Al-Qaeda đã có thể thu phục các phần tử nổi dậy ở cấp độ khu vực.
Thế nhưng, Al-Qaeda vẫn tránh tham gia vào vụ đụng độ vũ trang với các nước Ả Rập trừ phi trong tình thế buộc phải làm như vậy. "Chiến lược của Osama Bin Laden luôn là: Chắc chắn phương Tây sẽ bị sa lầy trong khu vực. Khi đó, Al-Qaeda âm thầm kích động thánh chiến, hợp tác với thế lực đối lập và các nhóm nổi dậy địa phương nhưng khéo léo giấu đi sự hiểm ác của mình bằng cách hoạt động dưới những cái tên khác" - chuyên gia Scott Stewart của Stratfor giải thích. Thế rồi, một khi các cơ sở hoạt động đã hình thành, Al-Qaeda có thể sử dụng ảnh hưởng để tiếp tục theo đuổi cuộc thánh chiến chống lại "kẻ thù xa".
Sau khi ông trùm Bin Laden bị tiêu diệt, hồi tháng 9-2011, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố Al-Qaeda "trên đường bị đánh bại". Phát biểu có phần vội vàng này đã được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lặp lại khi khẳng định "đánh bại Al-Qaeda về chiến lược nằm trong tay của Mỹ".
Kết quả trái ngược, Al-Qaeda ngày nay hồi sinh trên vũ đài thánh chiến toàn cầu. Hoạt động trong bóng tối, tổ chức này đã có thể bành trướng mà không bị chú ý trong bối cảnh phương Tây và các chính phủ đồng minh Ả Rập tập trung vào IS.
Vẫn là trùm khủng bố
Như nhận định của nhật báo Daily Beast, Al-Qaeda vẫn còn nắm quyền kiểm soát tất cả phe phái nổi dậy lớn trên toàn cầu (ngoại trừ IS đã tách ra năm 2014).
Hiện Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập được cho là tập hợp hơn 4.000 chiến binh dưới trướng. Ở Somalia, Al-Shabaab nắm giữ hơn 7.000 tay súng. Tại Syria, Mặt trận Nusra chiêu mộ được hơn 20.000 phần tử nổi dậy. Những con số trên đều tăng mạnh trong 6 năm qua. Không chỉ sắp xếp lại đội ngũ, tổ chức cực đoan này nhận được nguồn tài chính khổng lồ từ các vụ bắt cóc tống tiền… Riêng Al-Qaeda ở Tây Bắc Phi đã kiếm được hàng triệu USD từ các khoản tiền chuộc.
Taliban hiện đã trở lại nắm quyền kiểm soát một số tỉnh ở Afghanistan. Đồng minh của Al-Qaeda ở Đông Nam Á, Jemaah Islamiyah, bây giờ có 66 cơ sở truyền bá tư tưởng quá khích dù khi thực hiện vụ đánh bom hộp đêm ở Bali năm 2002, con số này chỉ là 31. Trông coi đế chế này, bộ chỉ huy trung tâm của Al-Qaeda, được biết đến trong nội bộ tổ chức này với tên gọi "Khorasan", đang tiếp tục điều hành từ các cơ sở ở vùng núi Waziristan - Pakistan.
Thời điểm ngày 11-9-2001, Al-Qaeda mới chỉ có trăm thành viên và hầu như đều trú đóng ở một quốc gia. Còn ngày nay, tổ chức khủng bố này lập nhiều căn cứ trú ẩn trên khắp thế giới. Ở Syria, Yemen và các nơi khác, Al-Qaeda đã lớn mạnh hơn bằng cách nhảy vào các cuộc nội chiến ở địa phương và các cuộc xung đột địa chính trị rộng lớn hơn.
So sánh với sự tàn bạo của IS và các đồng minh, người ta có xu hướng đánh giá các nhóm nổi dậy dưới quyền Al-Qaeda - hoặc thậm chí các đồng minh tiềm năng - là những phe phái "ôn hòa" trong các cuộc xung đột, đặc biệt là khi bọn chúng tỏ ra không dính líu với "nhãn hiệu" Al-Qaeda, như nhiều kẻ đã cố làm như vậy. Thế nhưng thực tế, các nhóm nổi dậy này hiểm ác hơn vẻ bề ngoài và cũng chẳng phải là bè bạn của người dân vô tội trên thế giới.
Đáng buồn thay, một số quốc gia Trung Đông đã làm trầm trọng hóa vấn đề bằng cách châm ngòi cho chủ nghĩa bè phái khắp khu vực. Với hành động đó, họ hy vọng giành được ưu thế với các đối thủ trong khu vực nhưng cuối cùng, chỉ Al-Qaeda mới là kẻ hưởng lợi.
Tội đồ cuộc tấn công 11-9 đã chết
Zuhair al-Maghribi, người Đức, được cho là từng hỗ trợ các tay không tặc vụ 11-9, đã chết - theo thông điệp mới công bố hôm 2-8 từ thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahri. Trong đó, al-Maghribi được gọi là "một trong số những người đã hy sinh mạng sống của mình". Tuy nhiên, chưa rõ những người này chết ra sao và khi nào.
Al-Maghribi, bí danh Said Bahaji, lâu nay vẫn bị truy nã quốc tế ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố 2001. Trong một chiến dịch năm 2009, quân đội Pakistan đã đánh vào một sào huyệt của Taliban nằm dọc biên giới Afghanistan và phát hiện hộ chiếu Đức của Bahaji với visa du lịch đến Pakistan. Con dấu trong hộ chiếu cho thấy y đã đến thành phố Karachi vào ngày 4-9-2001. Nhiều nguồn tin nghi ngờ Bahaji đã chết từ lâu nhưng Al-Qaeda chưa bao giờ công khai thừa nhận trước khi xuất hiện thông điệp của al-Zawahri vừa qua.
Kỳ tới: Vươn vòi bạch tuộc ở Syria
Bình luận (0)