Sự kiện lịch sử nói trên diễn ra tại nhà bảo tàng khoa học ở London, thủ đô nước Anh. Dưới sự chứng kiến của bà Jane Wess, trưởng bộ môn toán của nhà bảo tàng, Alexis đã lặng lẽ phá kỷ lục tính nhẩm bài toán rút căn khó nhất thế giới một cách xuất sắc. Kỷ lục gần đây nhất của anh thực hiện tại New York (Mỹ) vào ngày 22-11-2007 là 72,4 giây. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay anh đã ba lần tự phá kỷ lục từ 77,99 giây rút xuống còn 70,21 giây.
Vượt qua chính mình
Phải nói ngay trong phép tính nhẩm rút căn 13 một con số 200 chữ số này, Alexis Lemaire hiện không có đối thủ. Cách đây ba năm, anh đã phá rất sâu kỷ lục rút căn 13 của một con số có 100 chữ số của thiên tài người Đức Gert Mittring. Trong khi Gert - huy chương vàng đại hội thể thao trí tuệ MSO 2007 - mất 13,55 giây để tìm ra đáp số thì Alexis chỉ cần 3,62 giây! Kể từ độ ấy, không ai có thể thách đố Alexis về khoản tính nhẩm căn 13 những con số khổng lồ mà đối với người trần mắt thịt, đọc nó thôi cũng cực kỳ khó rồi.
Cuộc thử sức tại London hôm thứ ba vừa qua là nỗ lực cuối cùng trong năm nay của Alexis. Cũng giống như mọi lần trước, Alexis ngồi một mình trước máy tính. Trên màn hình xuất hiện một con số gồm 200 chữ số khởi đầu với con số 9 và kết thúc với 13 con số 0 do máy tính chọn một cách ngẫu nhiên.
Trong sự im lặng gần như tuyệt đối – một điều kiện mà Alexis yêu cầu ban tổ chức phải bảo đảm – Alexis không ngừng cử động môi, đánh lưỡi kêu lách chách, nhẩm thầm trong đầu những con số mà chỉ có anh mới có thể giải mã. Anh phải đưa ra một con số gồm 16 chữ số. Nhân con số này 13 lần sẽ có con số khổng lồ mà máy tính đã chọn.
Một phút đã trôi qua. Alexis vẫn tiếp tục động não với tốc độ mà anh cho biết là cực kỳ nhanh do được tập luyện mỗi ngày như một vận động viên thể thao đỉnh cao. Vì thế mà người Mỹ đã dùng từ ghép “mathlete” (math = toán học và athlete = vận động viên) để gọi Alexis.
10 giây sau, Alexis vẫn tiếp tục, khán phòng im phăng phắc chờ đợi điều kỳ diệu. Giây thứ 70,21, Alexis đưa ra con số cuối cùng: 2.407.899.893.032.210. Đó là con số chính xác duy nhất trong số 393.000 tỉ khả năng.
Bà Janes West bình luận: “Anh ta ngồi đấy, sự im lặng chùng xuống, rồi thình lình anh ta tìm ra đáp số. Thật là không thể tin nổi. Chỉ có một số ít người có được khả năng kỳ diệu này và hiện nay số người này đếm được trên đầu ngón tay. Theo tôi, đây là con số tính nhẩm lớn nhất chưa từng thấy”.
Khi máy tính xác nhận đáp án của Alexis, anh chàng người Pháp này chỉ gật đầu nhẹ rồi cười lặng lẽ. Không hề có sự phấn khích, giơ tay lên trời hay nhảy cẫng lên như thường thấy ở các môn thể thao dùng sức là chính. Ngay cái cách phát biểu của anh cũng nhẹ nhàng: “Tôi rất tự hào về bộ óc của tôi. Không có gì lý thú hơn việc nó hoạt động bằng hoặc hơn một chiếc máy tính điện toán. Tôi sống để tự hoàn thiện mình. Tất cả những gì tôi muốn là thách đố chính mình, làm sao để đạt tốc độ nhanh hơn, nhanh nhất”.
Ngừng một chút, anh thú nhận một điều thầm kín: “Tôi không có thời gian dành cho phụ nữ vì tôi luôn bận bịu luyện toán”. Cho tới nay, Alexis vẫn còn độc thân.
Không rượu chè, cà phê
Alexis tự phát hiện kỹ năng đặc biệt của mình hồi 8 tuổi. Anh nói trên báo Le Figaro: “Lúc đó tôi cố gắng bắt chước máy tính”. Kể từ đó anh vùi đầu vào công việc nhức đầu này. Và để đạt được sự kỳ diệu hôm nay, Alexis tự đặt ra cho mình một lối sống khắc khổ: không cà phê, thuốc lá hay rượu bia. Anh cũng ăn ít thức ăn giàu chất béo và có nhiều đường.
Không như mọi người tưởng, Alexis không học giỏi, đặc biệt là môn toán, trong lớp học. Anh tâm sự: “Tôi không thuộc nhóm học sinh giỏi hàng đầu trong lớp. Tôi là người tự học qua sách vở”. Thật vậy, anh chỉ chú tâm vào tính nhẩm. Anh đã nhân kỹ năng này lên nhiều lần nhờ mỗi ngày luyện tập như một vận động viên thực thụ.
Thỉnh thoảng, Alexis nghỉ xả hơi vài ngày để nghe nhạc. Anh chia sẻ: “Tôi không thể tính toán suốt ngày nếu không nghỉ ngơi thì đầu tôi hoặc trái tim tôi sẽ vỡ tung. Luyện tập thái quá, tính nhanh quá cũng có hại cho sức khỏe”.
Bí quyết thành công của Alexis là gì? Đó là kỹ thuật tính toán nhưng anh chưa bao giờ hé môi về chuyện này. Theo Jean-Paul Delahaye, giáo sư tin học Trường Đại học Khoa học – Kỹ thuật Lille, Alexis có 3 kỹ năng: “Anh ta đã gầy dựng được thuật tính toán đặc biệt dành cho loại tính nhẩm này, hoàn toàn làm chủ thuật toán này cho nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian. Cuối cùng, Alexis khai thác rất tốt bộ nhớ của mình”. Nhưng giáo sư cũng lưu ý rằng, cũng giống như mọi vận động viên thể thao, bí quyết của Alexis là luyện tập rất căng. Chỉ khác một điều là thay vì luyện cơ bắp, anh luyện tế bào thần kinh.
Máy tính con người
Trước khi máy tính cơ học và điện tử ra đời, từ “computer” hồi thế kỷ XVII chỉ “người làm các phép tính toán học”. Họ được dùng để thực hiện những phép tính dài dòng đòi hỏi nhiều thời gian. Họ được chia ra từng nhóm, làm những công đoạn khác nhau và làm song song với nhau. Những phép tính như thế thường được thực hiện trong ngành thiên văn, nơi phải xử lý những bài toán hết sức phức tạp. Nhà thiên văn học Alexis Claude Clairaut, người Pháp (1713-1765), có lẽ là người đầu tiên dùng một nhóm “máy tính con người” để tính toán thời điểm sao chổi Halley quay trở lại trái đất hồi thế kỷ XVIII. Đối với phụ nữ, lĩnh vực “máy tính con người” này là một thế giới khép kín. Tuy nhiên vào thế kỷ XIX, nhà thiên văn Edward Charles Pickering đã làm một cuộc cách mạng: Sử dụng phụ nữ làm “máy tính con người” cho nên có người gọi nhóm phụ nữ này là “hậu cung của Pickering”. Tài tính toán của nhóm nữ giới này không thua cánh nam giới nhưng đồng lương nhận được chỉ bằng một nửa so với nam giới. Một trong những người được dùng để tính toán trong cuộc khảo sát đại lượng giác năm 1850 là nhà thiên văn Ấn Độ Radhananh Sikdar. Ông này là người đầu tiên xác định và tính toán chiều cao của đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới ở Ấn Độ. Trong thế chiến thứ hai, Mỹ sử dụng nhiều máy tính con người. Do nam giới khan hiếm, họ dùng cả nữ giới là cử nhân toán. Trong dự án chế tạo bom nguyên tử Manhattan, máy tính con người được sự hỗ trợ của máy tính cơ đã được dùng để tính toán công thức phức tạp của việc phân hạch. Điều lý thú nhất là từ khi máy điện toán ra đời, những người lập trình đầu tiên ở Mỹ là nữ giới. |
Bình luận (0)