Năm 2010, cô Tursilawati – công dân Indonesia – giết chết ông chủ của mình ở TP Thaif - Ả Rập Saudi. Người phụ nữ khẳng định đó là hành động tự vệ sau khi ông chủ cố gắng cưỡng hiếp mình.
Năm 2011, Tursilawati bị kết án tử hình và gần đây bị nhà chức trách Riyadh xử tử.
Indonesia đã phản ứng mạnh vì Ả Rập Saudi không hề thông báo trước cho nước này.
Hôm 31-10, Tổng thống Widodo cho biết ông đã gọi điện cho Bộ trưởng Ngoại giao của Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir để phàn nàn, đồng thời yêu cầu phía Riyadh giải thích tại sao không thông báo cho Jakarta về việc thi hành án đối với cô Tursilawati cách đó 2 ngày.
Tổng thống Widodo cũng nói rằng ông nêu vấn đề liên quan tới trường hợp của cô Tursilawati khi Bộ trưởng al-Jubeir thăm Indonesia hồi tuần trước.
Cô Tuti Tursilawati (phải) bị xử tử hôm 29-10. Ảnh: Tribun News
Vào năm 2015, Indonesia cấm lao động trong nước tới 21 quốc gia Trung Đông sau khi xuất hiện thông tin lao động nhập cư bị ngược đãi.
Báo The Jakarta Post dẫn lời chuyên gia luật quốc tế tại Trường ĐH Indonesia, Hikmahanto Juwana, cho rằng Ả Rập Saudi đã "vi phạm các tiêu chuẩn quan hệ quốc tế" vì không thông báo cho Indonesia.
Trường hợp của cô Tursilawati phần nào phản ánh những khó khăn mà nhiều lao động nước ngoài gặp phải khi làm việc tại Ả Rập Saudi. Ước tính 11 triệu lao động nước ngoài đến từ hơn 100 quốc gia đang cư trú tại quốc gia này, trong đó có 2,3 triệu người làm việc tại các gia đình bản địa, hầu hết là giúp việc.
Chỉ mới tuần trước, Ả Rập Saudi bắt giữ 19 công nhân từ Philippines sau khi đột kích một bữa tiệc Halloween ở thủ đô Riyadh. Họ được thả hôm 30-10 nhưng vẫn có thể đối mặt một số cáo buộc chiếu theo luật Hồi giáo Sharia nghiêm khắc.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Ả Rập Saudi đã xử tử 146 người vào năm 2017. Ít nhất 4 công dân Indonesia đã bị hành quyết tại Ả Rập Saudi kể từ năm 2011.
Hồi tháng 3 qua, báo The Jakarta Post cho biết 20 người Indonesia vẫn bị án tử treo lơ lửng trên đầu ở Ả Rập Saudi.
Bình luận (0)