Theo luật Ấn Độ, tuổi tối thiểu được phép kết hôn đối với nữ là 18 và đối với nam là 21. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát về sức khỏe gia đình của Ấn Độ, 56% các bé gái tại nông thôn kết hôn trước 18 tuổi. Theo tập quán hiện nay tại nông thôn Ấn Độ, một cô dâu chưa đến tuổi dậy thì sẽ ở lại nhà cha mẹ và chỉ về nhà chồng khi đến tuổi dậy thì, nhưng có rất nhiều trường hợp gia đình chồng không đợi cô dâu lớn đến tuổi dậy thì mà đem các bé gái về nhà làm người giúp việc không công. Hiện nay, hầu hết người dân Ấn Độ không đăng ký kết hôn và đám cưới được xem là bằng chứng hợp pháp của cuộc hôn nhân. Thậm chí tại các thành phố, các cặp vợ chồng cũng chỉ đi đăng ký kết hôn khi cần có các giấy tờ pháp lý trong những trường hợp như làm passport hay xin visa. Điều này đã gây ra nhiều bất lợi cho các bà vợ trong trường hợp người chồng từ chối chu cấp tiền hằng tháng cho vợ sau khi ly dị hoặc ly thân với lý do rằng họ chưa từng kết hôn hoặc cuộc hôn nhân đó không được đăng ký đúng theo pháp luật.
Tòa án Ấn Độ cho rằng việc bắt buộc đăng ký kết hôn sẽ ngăn chặn nạn tảo hôn, bảo đảm tuổi tối thiểu để kết hôn và ngăn chặn việc cưỡng ép kết hôn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng ngay cả khi luật mới được áp dụng thì cũng sẽ có rất nhiều người không đăng ký kết hôn. Một khó khăn khác khi áp dụng quyết định này là việc phải trình giấy khai sinh khi đăng ký kết hôn để xác định tuổi của người đăng ký kết hôn trong khi tại các vùng nông thôn, ít người đăng ký khai sinh. Theo ông Anu Dixit, thuộc chương trình bảo vệ trẻ em của UNICEF (Quỹ Nhi đồng của Liên Hiệp Quốc), “nếu muốn quyết định mới đem lại tác dụng thì cần nâng quyết định đó lên thành luật có quy định rõ các biện pháp chế tài đối với những người kết hôn mà không đăng ký”.
Bình luận (0)