Cuộc biểu tình tại Công viên Azad Maidan ở TP Mumbai - thủ phủ bang Maharashtra - kết thúc tối 12-3 (giờ địa phương) khi các lãnh đạo Hiệp hội Nông dân All India Kisan Sabha - nhóm tổ chức cuộc biểu tình - nhận được văn bản bảo đảm của chính quyền bang Maharashtra, trong đó có cam kết giải quyết mọi tranh cãi liên quan đến đất rừng trong vòng 6 tháng và mở rộng chương trình xóa nợ cho tất cả nông dân.
Tạm hài lòng với câu trả lời của chính quyền, ông Ramu Bhoye, một nông dân 40 tuổi ở làng Hatti thuộc thị trấn Surgana, chia sẻ: "Việc cam kết giải quyết vấn đề sở hữu đất rừng là một quyết định tuyệt vời của chính quyền. Điều quan trọng là họ có văn bản bảo đảm. Tôi đã tham gia nhiều cuộc biểu tình nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được lời cam kết bằng văn bản". Ngay sau khi nghe đọc văn bản cam kết từ chính quyền bang Maharashtra, nhiều người biểu tình đã trở về nhà.
Dòng người biểu tình tuần hành 180 km đến TP Mumbai - Ấn Độ kêu gọi chính quyền xóa nợ Ảnh: EPA
Trước đó, những người nông dân đã đi bộ 6 ngày từ thị trấn Nashik để đến Công viên Azad Maidan trong hành trình kéo dài khoảng 180 km. Theo Hiệp hội All India Kisan Sabha, số lượng người tham gia tuần hành có thể lên đến 50.000 người, trong đó có cả trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Những người này phàn nàn chính quyền bang đã không xóa nợ cho nông dân như cam kết hồi năm ngoái, yêu cầu chuyển giao đất rừng cho những người dân đã canh tác trong nhiều thập kỷ qua.
Theo hãng tin Reuters, đây là cuộc biểu tình lớn thứ hai của nông dân ở địa phương trong vòng chưa đầy một năm, gây sức ép lên chính quyền bang Maharashtra, được lãnh đạo bởi Đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi. Sự giận dữ của nông dân cũng diễn ra tại một số bang khác.
Được xem là bang giàu nhất Ấn Độ, Maharashtra hồi tháng 6-2017 công bố xóa khoản nợ vay nông nghiệp trị giá 340 tỉ rupee (khoảng 5,23 tỉ USD) nhưng các thủ lĩnh cuộc biểu tình cho rằng động thái này không mang lại lợi ích cho mọi nông dân nghèo. Theo thống kê, hơn 60.000 nông dân tại bang này đã tự sát trong giai đoạn 1995-2013. Con số này sau đó tiếp tục tăng mạnh với ít nhất 12.400 trường hợp tự tử được ghi nhận từ năm 2014-2017 do nạn hạn hán liên tiếp khiến nhiều nông dân lún sâu vào nợ nần.
Bình luận (0)