Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã lập kỷ lục thế giới mới trong lĩnh vực không gian hôm 15-2 khi phóng thành công 104 vệ tinh vào quỹ đạo chỉ với 1 rốc-két đẩy XL Variant, phá kỷ lục của Nga năm 2014 với 37 vệ tinh.
Củng cố năng lực
104 vệ tinh trên được sử dụng để vẽ bản đồ trái đất, theo dõi tàu bè nhằm giám sát nạn đánh bắt cá trái phép và cướp biển, hỗ trợ những cuộc thử nghiệm về vi trọng lực...
Thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM cho biết vệ tinh lớn nhất trong số đó là CARTOSAT-2 của Ấn Độ, nặng 714 kg, thời gian hoạt động 5 năm, dùng để quan sát trái đất.
Trong số 103 “vệ tinh nano” còn lại (nhỏ nhất chỉ cân nặng 1,1 kg), có 96 cái thuộc về Mỹ; Israel, Kazakhstan, Hà Lan, Thụy Sĩ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất - mỗi nước có 1 và Ấn Độ có 2.
“Đây không chỉ là chuyện lập kỷ lục mà cái chính là để củng cố hơn nữa năng lực công nghệ của chương trình không gian Ấn Độ” - bà Susmita Mohanty, giám đốc điều hành Công ty Earth2Orbit, trụ sở ở Bangalore, nhận định. Công ty này từng giúp Google phóng vệ tinh hồi tháng 6-2016.
Theo đài Deutsche Welle (Đức), Ấn Độ là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể phóng vệ tinh vào không gian và phóng nhiều vệ tinh trong một lần. Gần đây, ngày 22-6-2016, Ấn Độ đã phóng thành công 20 vệ tinh trong một sứ mệnh không gian, phá kỷ lục của nước này năm 2008 với 10 vệ tinh.
Thế nhưng, chương trình không gian của Ấn Độ không chỉ nổi tiếng về số lượng vệ tinh phóng vào quỹ đạo mà còn về chi phí thấp - một lợi thế cạnh tranh không nhỏ trong bối cảnh kinh tế khắp thế giới trì trệ.
Chuyên gia Uday Bhaskar, giám đốc một cơ quan tư vấn ở Delhi, cho biết chi phí phóng 1 vệ tinh vào quỹ đạo của Ấn Độ thấp hơn 60%-70% so với các quốc gia khác.
Ông Ramabhadran Aravamudan, cựu giám đốc Trung tâm Vệ tinh thuộc ISRO ở Bangalore, nhận định lợi thế này có được do chi phí lao động rẻ, chẳng hạn lương kỹ sư ngành không gian vũ trụ trình độ cao ở Ấn Độ là 1.000 USD/tháng.
Mặc dù vậy, theo đài CNN, Ấn Độ vẫn sẽ là “tay chơi khiêm tốn nhất” trên toàn cầu trừ phi nước này có thể phóng những vệ tinh nặng hơn vào quỹ đạo.
Trung Quốc tăng tốc
Vụ phóng nói trên báo hiệu cuộc chạy đua thám hiểm không gian ở châu Á sẽ càng thêm nóng. Cả Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những kế hoạch đầy tham vọng nhằm vượt lên trong cuộc đua được kỳ vọng giúp họ nâng cao vị thế trên trường quốc tế, mang lại không ít lợi ích về kinh tế và thương mại.
Từng phóng thành công tàu vũ trụ Mangalyaan lên quỹ đạo sao Hỏa năm 2014, Ấn Độ dự định phóng tàu vũ trụ thứ hai lên mặt trăng trong nửa đầu năm 2018. Năm 2008, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ tư cắm quốc kỳ trên mặt trăng, sau Mỹ, Trung Quốc, Nga.
Không chịu thua kém, Trung Quốc cũng đang tăng tốc mạnh mẽ. Trước mắt, Bắc Kinh sẽ thử nghiệm tàu vũ trụ chở hàng Thiên Chu-1 vào tháng 4 tới.
Đây được xem là công nghệ cần thiết cho trạm không gian nước này, dự kiến đi vào hoạt động năm 2022. Cũng trong năm nay, Trung Quốc sẽ phóng 1 tàu vũ trụ lên mặt trăng nhằm thu thập mẫu đất đem về trái đất. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối thập kỷ này sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đáp xuống vùng tối của mặt trăng, đồng thời muốn đưa tàu thăm dò lên bề mặt sao Hỏa.
Chương trình không gian của Nhật Bản cũng đang nhắm đến mặt trăng khi muốn cho tàu thăm dò tự hành đáp xuống bề mặt vệ tinh của trái đất này vào năm 2018.
Bình luận (0)