1. Anh thông báo với Hội đồng Châu Âu (EC)
Các bước cơ bản cho tiến trình “rút lui” được mô tả trong Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu (còn gọi là Hiệp ước Lisbon). Bước đầu tiên để khởi động tiến trình này chính là thành viên rời EU thông báo cho EC. EC bao gồm một lãnh đạo của 28 nước thành viên (có thể là thủ tướng hoặc tổng thống) và có chủ tịch riêng.
Điều 50 không ấn định cụ thể thời điểm thông báo cho EC và hiện cũng không rõ khi nào Anh bắt đầu tiến trình này. Trong bài phát biểu từ chức sáng 24-6 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ không “kích hoạt” Điều 50 mà dành nhiệm vụ đó cho người kế nhiệm.
Muốn thực sự rời EU, Anh còn đoạn đường dài phải đi. Ảnh: EPA
Trong thông cáo ngày 24-6, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố cho đến khi tiến trình thương thảo chấm dứt (khoảng 2 năm), Anh vẫn là thành viên EU với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ.
Thông cáo được ký bởi Chủ tịch EC Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (chủ tịch luân phiên của EU trong năm nay).
2. Anh và EU thảo luận các điều khoản “chia tay”
Trong cả tiến trình rút lui, Anh vẫn phải tuân thủ mọi quy tắc và hoạt động định kỳ của EU. Tuy nhiên, đại diện Anh tại EC không được tham gia vào các cuộc bàn bạc hoặc bỏ phiếu liên quan đến việc ra đi của chính nước mình.
3. Hai bên đạt thỏa thuận
Bước cuối cùng là hai cơ quan ban hành chính sách của EU – bao gồm Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng Liên minh Châu Âu – bỏ phiếu về vấn đề này.
- Nghị viện châu Âu: Hơn 700 thành viên của cơ quan này (được bầu chọn từ các nước EU) phải thông qua thỏa thuận với tỉ lệ đa số. Chưa rõ các thành viên Anh trong Nghị viện Châu Âu (tính tới ngày 23-6 là 73 người) có được bỏ phiếu hay không.
- Hội đồng Bộ trưởng: Cũng bao gồm đại diện của các nước thành viên (cấp bộ trưởng) nhưng không có danh sách cố định mà thay đổi tùy theo từng khu vực chính sách. Trong trường hợp Anh, thỏa thuận “chia tay” cần 20/27 thành viên (không bao gồm Anh) bỏ phiếu tán thành.
Điều 50 không quy định nước muốn ra đi thông qua thỏa thuận này như thế nào. Trước đây, Hạ viện Anh từng nói chính phủ nước này cần đưa thỏa thuận đạt được với EU ra bàn tại Quốc hội Anh trước khi được thông qua.
4. Thời gian 2 năm
Tiến trình thảo luận giữa Anh và EU nêu trên có giới hạn thời gian là 2 năm, bắt đầu từ lúc EC được thông báo. Hạn chót có thể được kéo dài nhưng với điều kiện được EC đồng ý.
5. Mất hết quyền lợi
Anh sẽ mất toàn bộ lợi ích và trách nhiệm của một thành viên EU, bao gồm cả quyền tự do thương mại và tự do đi lại trong khối. Nếu không đạt được các thỏa thuận thương mại riêng, giao dịch với các nước EU có thể đắt đỏ hơn đối với Anh.
Bình luận (0)