Lệnh cấm mang một số thiết bị điện tử lên máy bay mà Mỹ và Anh vừa ban hành xuất phát từ mối đe dọa khủng bố, theo tiết lộ của giới chức Mỹ.
Al-Qaeda, IS chạy đua?
Đài CNN hôm 22-3 dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng lệnh cấm được cho là có liên quan đến mối đe dọa từ nhóm Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP). Theo người này, thông tin tình báo thu thập những tuần gần đây cho thấy AQAP đã hoàn thiện kỹ thuật giấu thuốc nổ vào pin và ngăn chứa pin của thiết bị điện tử.
Trang Daily Beast tiết lộ thêm những thông tin tình báo có được từ một cuộc bố ráp Al-Qaeda tại Yemen hồi tháng 1 qua. Theo đó, mạng lưới khủng bố này đã chế tạo được loại bom đủ nhỏ để giấu trong máy tính xách tay hoặc những thiết bị khác và đủ mạnh để làm rơi một máy bay.
Thiết bị điện tử lớn, như máy tính xách tay, bị cấm mang lên khoang hành khách một số chuyến bay đến Mỹ và Anh Ảnh: AP
Trong khi đó, một số nguồn tin tiết lộ với đài ABC News rằng thông tin tình báo mới cho thấy Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng tìm cách đưa thiết bị điện tử có chứa thuốc nổ lên những chuyến bay đến Mỹ.
Giới chức tình báo Mỹ tin rằng IS giờ đây cũng chế tạo được loại chất nổ có thể giấu trong thiết bị điện tử, qua đó cho thấy IS đang tranh đua với AQAP trong việc tấn công máy bay hành khách bằng thuốc nổ.
Chính phủ Mỹ đánh giá những thông tin tình báo mới nói trên là “đáng tin cậy”, dẫn đến lệnh cấm nhằm vào một số chuyến bay thẳng đến nước này.
Cụ thể, theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm 21-3, toàn bộ thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn chiếc điện thoại thông minh sẽ bị cấm mang lên khoang hành khách của một số chuyến bay thẳng đến Mỹ, cất cánh từ 10 sân bay ở 8 quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo tại Trung Đông và Bắc Phi (Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan, Kuwait, Ả Rập Saudi, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất). Thay vào đó, những thiết bị này phải để trong hành lý ký gửi, đồng thời bị kiểm tra nghiêm ngặt tại chốt kiểm soát an ninh.
Các chuyến bay bị ảnh hưởng thuộc về 9 hãng hàng không, gồm Royal Jordanian, EgyptAir, Turkish Airlines, Saudi Arabian Airlines, Kuwait Airways, Royal Air Maroc, Qatar Airways, Emirates và Etihad Airways.
Nhà chức trách Mỹ cho số hãng hàng không này thời hạn chót là ngày 25-3 để thực thi lệnh cấm nói trên, nếu không sẽ mất quyền khai thác các đường bay đến Mỹ.
Washington không tiết lộ thời điểm kết thúc lệnh cấm nhưng người phát ngôn hãng Emirates nói với Reuters rằng họ được yêu cầu thực thi biện pháp này đến ngày 14-10-2017.
Hiệu quả bị nghi ngờ
Vài giờ sau khi Mỹ công bố lệnh cấm, nhà chức trách Anh cũng có bước đi tương tự nhưng áp dụng cho những hãng hàng không khác - trong đó có British Airways và EasyJet - và các chuyến bay thẳng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Ai Cập, Tunisia và Ả Rập Saudi. Cùng ngày, giới chức Canada và Pháp cho biết đang xem xét có theo chân Anh và Mỹ hay không; còn Đức, Úc và New Zealand chưa có ý định làm như thế vào lúc này.
Phần lớn chính phủ những nước có sân bay bị ảnh hưởng cho đến giờ đều không phản ứng thái quá với lệnh cấm nói trên, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ lên án cũng như yêu cầu lệnh cấm bị hủy hoặc giảm quy mô.
Trong khi đó, một số chuyên gia không tin biện pháp mới có thể giúp cải thiện an toàn cho hành khách. Ông Matthew Finn, chuyên gia tại Công ty Tư vấn an ninh Augmentiq (Anh), khó hiểu trước việc vẫn cho phép thiết bị điện tử lớn để trong hành lý ký gửi.
Theo ông, những thiết bị nổ tự chế hiện nay có thể được kích hoạt bằng nhiều cơ chế khác nhau, trong đó có điện thoại di động nhỏ trong khoang hành khách. Để xoa dịu nỗi lo này, trang Daily Beast dẫn một nguồn tin cho biết loại bom giấu trong pin nói trên chỉ mới có thể kích nổ bằng tay.
Một số người khác chất vấn về phạm vi của lệnh cấm. “Một lệnh cấm chỉ nhằm vào một số hãng hàng không ở một vài nước sẽ không bảo vệ được hành khách khỏi mối đe dọa khủng bố.
Ngày nay, các hãng hàng không được kết nối mạnh mẽ thông qua những liên minh và thỏa thuận chia sẻ mã số chuyến bay. Không gì có thể ngăn hành khách tại những nước bên ngoài phạm vi lệnh cấm mang thiết bị điện tử lên chuyến bay có quá cảnh đến Mỹ” - ông Ruben Morales, người phụ trách vấn đề an toàn doanh nghiệp tại hãng hàng không Hong Kong Airlines, nhận định.
68 nước bàn kế kết liễu IS
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 2014, toàn bộ 68 quốc gia thuộc liên minh toàn cầu chống IS nhóm họp ở Washington - Mỹ ngày 22-3.
Hội nghị - do Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chủ trì - tập trung vào các chủ đề như: nhìn lại tiến bộ đã đạt được trong cuộc chiến chống IS; đẩy nhanh nỗ lực đánh bại hoàn toàn IS ở Iraq và Syria; ngăn chặn nguồn tiền tài trợ, vũ khí và dòng chiến binh nước ngoài. Ngoài ra, theo kênh ABC News, các ngoại trưởng còn thảo luận cách gây sức ép lên các nhóm khủng bố liên kết với IS, như ở Libya, Ai Cập... cũng như đối phó các tay súng IS trở về quê nhà trong bối cảnh các lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của IS vụn vỡ dần.
Đây cũng là dịp để các nước thành viên lần đầu tiên nghe về kế hoạch diệt trừ IS của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lầu Năm Góc gần đây xác nhận gửi thêm quân đến Syria để hỗ trợ các lực lượng địa phương tái chiếm Raqqa - thành trì của IS tại nước này. Trận chiến Raqqa khá phức tạp vì ngoài lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn còn có quân đội Syria (có Nga hỗ trợ) và các nhóm nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, tại Iraq, IS gần như bị đánh bại ở Mosul.
Theo tạp chí Newsweek, Washington cũng có thể nhân hội nghị này để thúc ép các đồng minh NATO và các thành viên Ả Rập trong liên minh hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho cuộc tấn công vào Raqqa. Đặc biệt, trang Daily Signal cho rằng hội nghị là cơ hội để phát triển cơ cấu trợ giúp quốc tế nhằm chuyển đổi việc đánh bại IS về quân sự thành chiến thắng lâu dài về chính trị. Với tinh thần đó, các nước sẽ tập trung bàn cách khôi phục luật pháp và trật tự cũng như chính quyền có thể tự quản tại các khu vực ở Syria đã được giải thoát khỏi tay IS.
Một điều cần lưu ý là Nga, Iran và Syria không được mời tham dự hội nghị dù cũng liên quan đến cuộc chiến chống IS.
Lục San
Bình luận (0)