Mặc cho ban giám đốc bệnh viện van xin, khoảng 200 người biểu tình áo đỏ vẫn lùng sục khắp bệnh viện đêm 29-4. Chỉ đến khi không tìm thấy bất cứ binh lính hay cảnh sát nào, họ mới chịu rút lui về căn cứ biểu tình gần đó nhưng đe dọa sẽ quay lại vào 10 giờ sáng 30-4.
Lo sợ lại bị “viếng thăm”, sáng nay 30-4, bệnh viện Chulalongkorn đã di tản khoảng 1.000 bệnh nhân đến các bệnh viện khác rời xa phe áo đỏ. Đồng thời, bệnh viện cũng ngừng hoạt động – trừ khu phẫu thuật cấp cứu – mặc dù ông Weng Tojirakarn, một thủ lĩnh áo đỏ kiêm bác sĩ, đã “xin lỗi sâu sắc” về cuộc đột nhập “không phù hợp, quá manh động và không thỏa đáng” trước đó.
"Họ muốn biểu tình sao đó thì tùy, nhưng lẽ ra họ không được vào đây và ngăn cản quá trình điều trị bệnh nhân chứ”, một bệnh nhân tên Purin Supadith giận dữ nói trong lúc được đưa ra khỏi bệnh viện sáng 30-4.
Bệnh nhân được di tản sáng 30-4 (Ảnh: Reuters)
Rào chắn dựng lên bên ngoài bệnh viện Chulalongkorn (Ảnh: Bangkok Post)
Vẫn còn khoảng 600 bệnh nhân và khu cấp cứu của bệnh viện còn hoạt động, muốn ra vào rất khó khăn
Ngay sau sự cố, chính phủ đã phái 100 binh lính đến canh gác bệnh viện Chulalongkorn.
Kể từ khi bắt đầu biểu tình vào ngày 12-3, phe áo đỏ đã nhiều lần gây náo loạn như xông vào tòa nhà quốc hội khiến các nghị sĩ phải trèo tường bỏ trốn, phong tỏa đường xá và chặn đánh cả tàu quân đội. Tính đến nay đã có 27 người chết và gần 1.000 người bị thương trong các cuộc bạo loạn trên đường phố.
Các nhà hoạt động chính trị và giới doanh nhân Bangkok không thể ngồi yên trước những “trò lố” của phe áo đỏ. Họ đã hợp sức thành một lực lượng “áo vàng” yêu cầu thủ tướng Abhisit mạnh tay hơn với phe áo đỏ, khiến cho cuộc chiến sắc màu ở Bangkok càng thêm gay cấn.
Cuộc khủng hoảng ở Thái Lan cũng vượt ra khỏi biên giới. Hôm 29-4, Ngoại trưởng Thái Kasit Piromya đã chỉ trích một vài nhà ngoại giao nước ngoài tiếp xúc với các lãnh đạo áo đỏ vào tuần trước.
Đại sứ Philippines tại Thái Lan Antonio V. Rodriguez cho biết Ngoại trưởng Kasit đã buộc tội một số đại sứ lên tiếng phản đối chế độ quân chủ lập hiến của Thái Lan và chỉ trích chính phủ Thái kiểm soát khủng hoảng kém cỏi.
Bàn luận về Hoàng gia là điều cấm kỵ số một tại Thái Lan. Hơn nữa Quốc vương Thái Lan rất được kính trọng trên thế giới nên quan điểm của các đại sứ trên bị cho là không hợp với thông lệ ngoại giao.
Trong khi đó, Mỹ và Liên minh Châu Âu đều khẳng định họ đã gặp phe đối lập và cùng kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bình luận (0)