Tiểu thương Việt tại Ekaterinburg
Trung tâm thương mại Tagan ở Ekaterinburg gồm hai khu riêng biệt – siêu thị và chợ ngoài trời. Một số dãy ở hai khu thuộc quyền quản lý của một số đại gia Việt. Người Việt Nam ở đây chia thành hai tầng nấc. Ai sang lâu năm, làm ăn thành đạt, có nhiều vốn liếng thì thuê phòng kinh doanh áo da, áo lông và các loại quần áo ở khu trung tâm thương mại. Tiền thuê chỗ, tiền thuế ở đó cao nhưng bù lại, lãi suất cũng cao hơn vì là nơi bán hàng cao cấp. Chợ ngoài trời là nơi kiếm sống của những người mới sang Nga hoặc từ nơi khác về, khả năng đầu tư của họ có hạn và mức thuế cũng dễ chịu hơn.
Từ trước tới nay, áo phông Việt Nam là mặt hàng chiến lược ở khu chợ ngoài trời. Những chiếc áo dệt kim đủ màu sắc dù đã trải qua nhiều công đoạn mới tới được Ekaterinburg nhưng giá bán cũng chỉ 150 – 300 rúp (23,5 rúp = 1 USD). Khách hàng trung thành là những người Nga có thu nhập thấp. “Năng nhặt chặt bị” là phương châm thành công không chỉ của riêng vợ chồng chị Liên, quê Tuyên Quang. Chị tâm sự: “Buôn áo phông Việt không cần nhiều vốn, việc tiêu thụ cũng ổn. Tuy nhiên, lãi suất không cao, thời vụ lại ngắn, chẳng chông chênh như dân buôn hàng đông”, “Chẳng chông chênh” nhưng chị Lê Thị Liên cùng chồng sau mấy năm lăn lộn ở chợ Tagan cũng đã trả hết nợ nần, xây được căn nhà mái bằng ở quê và lo cho hai con trai ăn học tử tế.
Áo phông có tội tình gì?
Vụ hè 2008, chị Liên “ôm” một lượng lớn áo phông Việt Nam. Hy vọng tràn ngập. Nhưng trời không chiều lòng chị. Ít nắng, mưa nhiều, nhiệt độ hiếm khi vượt qua vạch 22. Tâm lý khách hàng Nga rất khác người Việt, họ không có khái niệm mua sắm đón vụ. Đúng ngày nắng nóng thì mua áo phông ngắn tay, trời mát lạnh lại mua áo sơ mi. Sang tháng 6, áo phông vẫn chưa thật “tít” (bán chạy) mà hè thực sự ở Ekaterinburg chỉ qua tháng 7 là hết. Nhưng đây chưa phải là thử thách lớn nhất với nhiều bà con người Việt ở vùng biên giới Á – Âu. Thử thách thứ hai do con người mang đến, con người đó lại mang dòng máu Việt.
Anh Nguyễn Văn Tiến, quê Quảng Ninh, cho biết: “Tôi đang bán áo phông túc tắc và chờ đợt nắng to để “gặt”. Bỗng dưng ông V. (là người quản lý một số dãy ở chợ ngoài trời và nhà kính) ra thông báo rằng tất cả người Việt không được bán áo phông tại chợ và trung tâm thương mại, phải chuyển vào nhà kính. Chúng tôi nghe mà rụng rời tay chân. Áo phông có tội tình gì chứ?”.
Hóa ra ông V. mới thuê thêm của chủ chợ Nga một số phòng trong khu nhà kính và đang mời chào bà con mua chỗ. Giá thuê mặt bằng và mức thuế ở đó cao nên ít người mặn mà. Chỉ cho phép buôn bán áo phông tại nhà kính là hình thức “khuyến khích” lấp đầy các phòng trống. Cũng như nhiều người đồng hương, anh Tiến đã dồn hàng chục ngàn USD đặt các xí nghiệp ở trong nước sản xuất áo phông nên không thể mua chỗ tại khu nhà kính. Đó là chưa nói đến việc chuyển địa điểm kinh doanh có thể làm mất đi nhiều mối khách quen, lãi suất từ buôn áo phông cũng khó bù đắp được chi phí ở khu nhà kính.
Đặt quyền lợi cộng đồng trên hết
Vận động không có kết quả, ông V. đã dùng lực lượng bảo vệ người địa phương để gây sức ép. Một số bà con phải bán tống bán tháo áo phông để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, chịu lỗ tới 50%. Trớ trêu, khách mua lại áo phông Việt của người Việt với giá rẻ mạt là người Nga, Ukraine, Trung Quốc, Kyrgystan bởi họ không chịu tác động của “luật” cấm bán áo phông ở chợ. Một số người phải chuyển đến thành phố khác làm ăn, còn anh Tiến đã trở về Việt Nam.
Khi chúng tôi từ Hà Nội ghé thăm thành phố Ekaterinburg thì điều cấm đoán phi lý trên đã bị xóa bỏ nhờ sự can thiệp của cộng đồng Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán tại Ekaterinburg. Những chiếc áo phông Việt Nam đang bán “tít” khi nắng rải vàng trên dãy núi Ural. Tuy nhiên, một nửa vụ hè đã bỏ lỡ, không ít bà con chịu thiệt thòi và điều này cũng ảnh hưởng đến doanh thu của các xí nghiệp dệt may ở trong nước. Trao đổi với chúng tôi, một đại diện của cộng đồng người Việt ở Ekaterinburg nói: “Đây là bài học đáng ghi nhớ đối với chúng tôi và tất cả những người Việt ở Nga về vấn đề lợi ích – quyền lợi của một cá nhân không bao giờ được đặt lên trên quyền lợi của cả cộng đồng!”.
Bình luận (0)