Hình phạt nói trên là một phần trong động thái cứng rắn của chính phủ Áo nhằm thúc đẩy mức độ tiêm vắc-xin trong bối cảnh nước này vật lộn với làn sóng ca nhiễm gia tăng khiến tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt tái diễn từ ngày 22-11.
Trước tiên, nhà chức trách Áo sẽ đề xuất lịch hẹn chủng ngừa cho người chưa tiêm vắc-xin. Nếu người này từ chối đề xuất, hình phạt nói trên sẽ được áp dụng, theo bản kế hoạch về các biện pháp phòng dịch sẽ được thực thi từ tháng 2-2022.
Áo sẽ là quốc gia đầu tiên ở Tây Âu bắt buộc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 từ tháng 2-2022. Ảnh: Reuters
Áo sẽ là quốc gia đầu tiên ở Tây Âu bắt buộc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 từ tháng 2-2022. Quốc gia 8,9 triệu dân tới nay đã tiêm chủng đầy đủ cho 66% dân số, tỉ lệ thuộc hàng thấp nhất ở Tây Âu.
Theo Bộ trưởng Bộ Hiến pháp Karoline Edtstadler, người từ chối tiêm mũi tăng cường cũng sẽ đối mặt án phạt lên tới gần 1.700 USD.
Bà Edtstadler khẳng định với trang Bloomberg: "Kế hoạch này không chỉ nhằm vào thúc đẩy tiêm chủng mũi đầu tiên mà còn hướng tới việc tiêm chủng đầy đủ".
Hiện tại có một số hoạt động biểu tình phản đối các biện pháp mới của chính phủ Áo.
Con đường mua sắm Hohe Strasse ở thành phố Cologne (Đức) vào ngày 22-11. Ảnh: EPA-EFE
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22-11 khuyến cáo người dân không đến Đức và Đan Mạch do tình trạng gia tăng lây lan Covid-19 tại đây.
CDC nâng cảnh báo đi lại lên "cấp độ 4: rất cao" đối với Đức và Đan Mạch, khuyên người Mỹ không đi tới 2 quốc gia châu Âu này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra khuyến cáo "không đi lại" đồng thời cho cả hai quốc gia.
Hiện CDC liệt kê khoảng 75 điểm đến trên toàn thế giới ở cấp độ 4, với nhiều nước châu Âu nằm trong danh sách này, gồm: Áo, Anh, Bỉ, Hy Lạp, Na Uy, Thụy Sĩ, Romania, Ireland và Cộng hòa Czech.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với các nhà lãnh đạo trong đảng của bà rằng các biện pháp đang được triển khai để ngăn chặn tình trạng lây lan virus trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện là không đủ và cần phải có hành động mạnh mẽ hơn.
Số ca nhiễm ở Đức tăng vọt, đặc biệt là ở những người cao tuổi đã tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin Covid-19 từ đầu năm 2021 và ở những trẻ em không đủ điều kiện tiêm chủng.
Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo tỉ lệ lây truyền hiện tại ở 53 nước châu Âu đang ở mức "đáng lo ngại" với số lượng ca mắc mới ở mức gần kỷ lục và trầm trọng hơn do biến thể Delta gây ra.
Bình luận (0)