Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hẹp (AMM Retreat) tổ chức ở thủ đô Vientiane – Lào, các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về những diễn biến gần đây ở biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh "sự lo ngại của một số thành viên ASEAN đối với việc cải tạo đất và các hoạt động làm gia tăng căng thẳng khác, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định khu vực”.
Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, nói với báo giới rằng ông "cực kỳ lo ngại" và kêu gọi "không quân sự hóa biển Đông.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cho biết ASEAN sẽ yêu cầu Trung Quốc tổ chức một cuộc họp để thảo luận vấn đề nhưng chưa rõ thời gian và địa điểm.
Mỹ hôm 26-2 cũng thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngưng các hành động quân sự hóa ở biển Đông, đặc biệt là tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam). Washington trước đó nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh xây đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng quân sự trong vùng biển quốc tế, đồng thời đi thuyền trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo xây dựng trái phép.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia ASEAN nên việc các nước Đông Nam Á phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của nước này tại biển Đông là một vấn đề khó khăn.
Năm 2016, Lào giữ cương vị là Chủ tịch luân phiên ASEAN. Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Lào Thongloun Sisoulith tuyên bố với Reuters rằng họ sẽ cố gắng giải quyết vấn đề biển Đông một cách thân thiện vì nước này đứng trung lập giữa Trung Quốc và các nước liên quan.
Ngoài biển Đông, hội nghị diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-2 còn bàn nhiều vấn đề quan trọng khác, như kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ứng phó chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan... và đặc biệt là bàn việc thực thi Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Bình luận (0)