Người phát ngôn Kao Kim Hourn cho biết: “Các thành viên ASEAN đã đạt được thỏa thuận về COC. Từ bây giờ trở đi, chúng tôi sẽ bắt đầu đối thoại với Trung Quốc”. Hiện nay, ASEAN có 4 nước thành viên có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, gồm: Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Như vậy, 10 năm sau khi ký kết Tuyên bố chung về ứng xử trên biển Đông (DOC) vào năm 2002, đến nay ASEAN mới tiến thêm được một bước để cụ thể tuyên bố trên thành bộ quy tắc ứng xử.
ASEAN đã đạt được thỏa thuận về COC tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM) lần 45. Ảnh: AP
Hôm nay 10-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến thăm Việt Nam. Tiếp theo đó bà đến Lào và sang Campuchia tham dự cuộc gặp giữa 25 nước châu Á Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu (EU) trong một hội nghị an ninh thường niên. |
Về phía Trung Quốc, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận COC khi “điều kiện chín muồi”. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng COC không thể giải quyết tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với toàn thể ASEAN. Bắc Kinh trước sau khăng khăng con đường đàm phán song phương với từng quốc gia có tranh chấp với nước này.
Bên cạnh tranh chấp tại bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) với Philippines, Bắc Kinh còn gây hấn với Việt Nam khi công khai mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chưa hết, 4 tàu hải giám của Trung Quốc còn thực hiện “chuyến tuần tra” trái phép đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo lời ông Zhu Zhiquan, giáo sư Đại học Bucknell ở Lewisburg (Pennsylvania - Mỹ), tầm quan trọng về kinh tế của Trung Quốc đã khiến ASEAN không thể hình thành một lập trường chung về các vấn đề tranh chấp trên biển Đông, đồng thời ảnh hưởng đến thái độ của Mỹ trong khu vực.
Thương mại Trung - Mỹ vẫn rất lớn khi đặt cạnh các nước ASEAN, ở mức 503 tỉ USD vào năm 2011, gấp hai lần rưỡi mức 194 tỉ USD thương mại tổng cộng giữa ASEAN và Mỹ, theo Cục thống kê Mỹ.
Bình luận (0)