Ngày 4-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Jakarta - Indonesia, bắt đầu tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) năm 2023 - diễn đàn doanh nghiệp thường niên lớn nhất Đông Nam Á.
Với chủ đề "ASEAN trong vai trò trung tâm: Sáng tạo để bao trùm hơn", ASEAN BIS 2023 tập trung thảo luận 5 chủ đề chính là chuyển đổi số và phát triển bền vững; an ninh lương thực; y tế sức khỏe, y tế bảo đảm hoạt động doanh nghiệp và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để tiếp tục phát huy vị thế cũng như nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, ASEAN cần củng cố đoàn kết nội khối; giữ vững nguyên tắc, lập trường, quan điểm chung; giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
ASEAN cũng cần cam kết lâu dài về mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư; luôn mở rộng cửa cho các nhà đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu; hội nhập khu vực sâu rộng hơn, nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới, nhất là các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại ASEAN BIS 2023 trong ngày 4-9 Ảnh: VGP
ASEAN cần phát triển theo hướng không hy sinh sự công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; kiên định cách tiếp cận toàn dân trong xây dựng cộng đồng ASEAN, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển.
Để phát huy vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá mới cho ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chính phủ và doanh nghiệp các nước cần hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và thực chất. Trong đó, các nước cần cùng nhau hoàn thiện thể chế thông qua chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định đầu tư, kinh doanh trong ASEAN, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số; coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Ngoài ra, các chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng cứng về giao thông vận tải, năng lượng và hạ tầng thông minh như các nền tảng số, trung tâm đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, tăng cường kết nối hạ tầng, liên thông cả khu vực, chú trọng mô hình hợp tác công - tư.
Song song đó là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao với các tiêu chuẩn chung về đào tạo, đánh giá và công nhận văn bằng lẫn nhau. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Đây là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực chúng ta".
Nhấn mạnh Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng tin tưởng ASEAN nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng sẽ cân bằng giữa mục tiêu phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong dài hạn, tranh thủ tối đa các cơ hội phát triển mới.
Cũng trong chiều 4-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo; tiếp bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tuần lễ bận rộn
Theo tờ Straits Times (Singapore), Hội nghị cấp cao ASEAN 43 dự kiến đưa ra các thỏa thuận về phát triển cơ sở hạ tầng xanh, chuỗi cung ứng linh hoạt, an ninh lương thực, nền kinh tế kỹ thuật số và hệ sinh thái thanh toán.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chủ trì 12 hội nghị cấp cao, bao gồm các phiên họp toàn thể và bế mạc của hội nghị cấp cao ASEAN, hội nghị cấp cao Đông Á, hội nghị cấp cao ASEAN+3 và các hội nghị cấp cao ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Canada và Liên Hiệp Quốc.
Các hội nghị cấp cao diễn ra từ ngày 5 đến 7-9, gồm khoảng 20 hoạt động, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác. Triển khai chủ đề "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", dự kiến lãnh đạo ASEAN và đối tác sẽ trao đổi nhiều nội dung chiến lược tác động đến khu vực, thống nhất định hướng phát triển của cộng đồng ASEAN và với các đối tác, cũng như xem xét thông qua khoảng 90 văn kiện về nhiều nội dung đa dạng như an ninh lương thực, kinh tế số, kinh tế biển xanh, chiến lược trung hòa carbon, hợp tác trong khuôn khổ Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…
Trong ngày 4-9, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã dự 3 hội nghị cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị cấp cao liên quan. Các bộ trưởng cũng trao đổi về tình hình hợp tác ASEAN, triển khai các trọng tâm, ưu tiên của năm 2023 và nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Theo hãng tin AP, ông John Kirby, người phát ngôn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết Tổng thống Joe Biden không tham dự chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN 43 nhưng Mỹ xem ASEAN là một trong những ưu tiên địa chính trị và không ngừng nỗ lực tăng cường quan hệ với khu vực. Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ thay mặt Tổng thống Biden tham dự các hội nghị; về phía Trung Quốc là Thủ tướng Lý Cường và đại diện Nga là Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov.
Cũng trong chiều 4-9, các nước ASEAN đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của 3 nước Kuwait, Serbia và Panama, nâng tổng số thành viên hiệp ước lên 54.
X.Mai - D.Ngọc
Bình luận (0)