Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono hôm 1-8 đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản.
Hai bên ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) song cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên thực địa, nhất là quân sự hóa và các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, dẫn đến xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Theo TTXVN, hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực - bao gồm biển Đông, đồng thời nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Bên cạnh đó, hai bên còn nhấn mạnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cần phải được thực hiện đầy đủ và khuyến khích nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp với bộ trưởng ngoại giao của các nước ASEAN hôm 1-8 ở Bangkok - Thái Lan Ảnh: REUTERS
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh tiếng nói xây dựng, tích cực của Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về biển Đông, cùng đóng góp xây dựng khu vực biển Đông hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển.
AMM-52 diễn ra trong bối cảnh quan hệ Washington - Bắc Kinh leo thang căng thẳng vì nhiều vấn đề, trong đó có biển Đông. Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền phần lớn biển Đông bất chấp bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Trong khi đó, Mỹ thường xuyên thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải để thách thức tuyên bố phi lý của Trung Quốc.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1-8 đã khẳng định với bộ trưởng ngoại giao của các nước Đông Nam Á rằng Washington chưa bao giờ yêu cầu các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "chọn phe". "Trong suốt nhiều thập kỷ, chính sách của Mỹ và ASEAN xuất phát từ mong muốn chung về việc hợp tác; từ sự tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia cũng như từ sự cam kết chung về các quy tắc cơ bản của luật pháp, nhân quyền và phát triển kinh tế bền vững" - ông Pompeo nhấn mạnh.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo "các nước bên ngoài" không nên gieo rắc bất hòa giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á bằng việc "phóng đại tranh chấp biển Đông". Ông Vương nhấn mạnh "những sự khác biệt" chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình giữa các nước chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo giới quan sát, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi "một cuộc xung đột ở cấp độ nào đó nổ ra giữa Washington và Bắc Kinh".
Ông Michael Vatikiotis, từ Trung tâm Đối thoại nhân đạo (CHD), hối thúc ASEAN sử dụng nhiều biện pháp ngoại giao khác nhau để xoa dịu căng thẳng Mỹ - Trung, bắt đầu từ việc đóng vai trò là "một nhà hòa giải trung thực" để giúp 2 nước thu hẹp khác biệt.
Không quân sự hóa biển Đông
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ hôm 1-8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền, xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, không quân sự hóa, kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế...
Cùng ngày, theo TTXVN, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - sông Hằng lần thứ 10, Phó Thủ tướng đã đề xuất một số ưu tiên hợp tác, bao gồm tăng cường hợp tác kết nối, đặc biệt là việc mở rộng Hành lang Kinh tế Đông Tây, Hành lang Kinh tế phía Nam tới Ấn Độ bằng đường bộ và đường biển, cũng như mở rộng tuyến đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan tới Campuchia, Lào và Việt Nam.
Phương Võ
Bình luận (0)