Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa vừa phản bác một số quan điểm được Trung Quốc đưa ra để biện minh cho việc leo thang căng thẳng tại biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo The Wall Street Journal (Mỹ) hôm 20-5, ông Natalegawa cho biết Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông trên cơ sở song phương và gạt bỏ sự can dự của bên thứ ba. Tuy nhiên, căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc đã liên quan đến toàn khu vực. Vì vậy, ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại để giải quyết tình hình. Ông khẳng định Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cho biết Indonesia sẽ can dự mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết căng thẳng trên biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Tương tự, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng biển Đông là một trong những vấn đề trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. ASEAN sẽ can dự vào biển Đông và cố gắng hết sức để vấn đề này không ảnh hưởng tới quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.
Vấn đề biển Đông cũng chiếm phần lớn thời lượng cuộc điều trần của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel trước Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 20-5. Theo TTXVN, cả ông Russel và các nghị sĩ Mỹ có mặt đều cho rằng hành động đơn phương và sai trái của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và an ninh cũng như sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Các nghị sĩ Mỹ yêu cầu chính phủ của Tổng thống Barack Obama phản ứng mạnh hơn nữa.
Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21-5 cam kết giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ nhưng lại kèm theo cảnh báo các nước châu Á không tăng cường liên minh quân sự với “bên thứ ba”. Đây không phải là lần đầu giới lãnh đạo Trung Quốc cam kết như thế trong khi một loạt hành động sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông cho thấy nước này chỉ giỏi “nói một đằng làm một nẻo”.
Tạp chí The National Interest (Mỹ) hôm 20-5 gọi chiến lược đối ngoại của Trung Quốc là thảm họa khi Bắc Kinh không ngừng gây hấn với láng giềng, trong đó mới nhất là vụ giàn khoan. Theo bài viết, những hành động này đã phá hoại môi trường hòa bình và ổn định của khu vực, điều mà Bắc Kinh lẽ ra cần đến để tập trung đối phó những vấn đề nghiêm trọng trong nước, từ nạn tham nhũng tràn lan, kinh tế suy giảm cho đến nguy cơ khủng bố nội địa và ô nhiễm môi trường.
Bình luận (0)