Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã làm rõ về những diễn biến phức tạp ở biển Đông, đặc biệt là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng; nêu bật lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam dựa trên các quy ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đoàn Việt Nam nhấn mạnh hành vi vi phạm của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình - an ninh khu vực và không tạo bối cảnh thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Khẳng định cam kết đối với tiến trình thực hiện DOC và xây dựng COC, đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh tình hình hiện nay càng cho thấy tính cấp thiết của việc có Bộ Quy tắc ứng xử hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, giúp ngăn ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai. Theo đó, đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tiến phương cách làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới, trong đó có việc tập trung xử lý những vấn đề mang tính chính sách, nâng cao vai trò của các quan chức cao cấp trong việc chỉ đạo và định hướng cho tiến trình đàm phán.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại hội nghịẢnh: Bộ Ngoại giao
Trước đó, trong các ngày 13 và 14-10 đã diễn ra cuộc họp lần thứ 30 Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về Thực hiện DOC. Đây là các hội nghị giữa ASEAN với Trung Quốc nhằm kiểm điểm tình hình biển Đông, thực hiện DOC và COC.
Về tình hình biển Đông, các hội nghị dành nhiều thời gian trao đổi về những diễn biến phức tạp trên thực địa, đặc biệt là các vụ việc đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các nước bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng hiện nay nếu tiếp tục để kéo dài sẽ rất nguy hiểm, gia tăng nguy cơ va chạm và tính toán sai lầm; đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Theo đó, các nước ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Về đàm phán COC, các nước hoan nghênh việc hoàn tất vòng rà soát đầu tiên văn bản dự thảo, nhất trí cần duy trì đà tiến triển đã đạt được, khẳng định cần gia tăng nỗ lực để xây dựng một bộ quy tắc thực sự hiệu quả, thực chất, có thể ngăn ngừa xảy ra những vụ việc phức tạp như hiện nay. Để làm được điều này, hội nghị nhất trí cần chuẩn bị kỹ cho các vòng đàm phán tiếp theo nhằm đạt được những kết quả cụ thể, thực chất; theo đó các nước đã trao đổi về những cách làm mới để áp dụng cho vòng đàm phán tới.
Cảnh giác với "chiến thuật vùng xám"
Một nhà quan sát kỳ cựu Malaysia về các vấn đề khu vực gần đây đã phát biểu: "Chúng ta cần phải nhận thức về chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở biển Đông".
Ông này lo ngại rằng sẽ quá muộn nếu không có hành động, ít nhất là để cho Trung Quốc thấy rằng Malaysia và các nước tuyên bố chủ quyền trên biển Đông có khả năng ngăn chặn các thủ đoạn trong khu vực của Bắc Kinh. Ông đưa ra một ví dụ về "chiến thuật vùng xám": Trung Quốc cử hàng trăm tàu đến một lãnh thổ nhất định do một quốc gia khác tuyên bố chủ quyền. Theo ông, điều đó cho thấy hành động của Trung Quốc có thể nhanh và quy mô lớn như thế nào, nếu không có động thái chống lại thì họ có thể dễ dàng nắm lãnh thổ đó và giữ chặt như là của mình.
Thực ra, theo báo New Straits Times (Malaysia) ngày 15-10, tin tức về điều gọi là "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc đã có từ nhiều tháng trước nhưng đã không gây ra lo ngại trong bối cảnh ở Malaysia.
Cổng thông tin Philippines Star đã đưa tin Manila lo ngại về “chiến thuật vùng xám” này của Trung Quốc, đồng thời dẫn lời các nhà phân tích đã thúc giục chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte sửa đổi Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) ký với Mỹ năm 1951 để chống lại các hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Theo đó, một trong những “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc là triển khai hàng trăm tàu bán quân sự ở vùng lân cận đảo Thị Tứ (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng hiện do Philippines chiếm đóng trái phép).
Lục San
Bình luận (0)