Động thái trên của Azerbaijan diễn ra khi phái đoàn đầu tiên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tới Nagorno-Karabakh sau 3 thập kỷ.
Ông Harutyunyan trở thành lãnh đạo Nagorno-Karabakh từ tháng 5-2020 đến đầu tháng 9 năm nay. Chính quyền ở Nagorno-Karabakh vừa tuyên bố sẽ giải thể sau 3 thập kỷ nỗ lực ly khai.
Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận thuộc lãnh thổ Azerbaijan nhưng cư dân chủ yếu là người Armenia.
Ông Harutyunyan và cựu chỉ huy quân sự Jalal Harutyunyan trước đó bị cáo buộc bắn tên lửa vào Ganja, thành phố lớn thứ ba của Azerbaijan, trong cuộc chiến kéo dài 44 ngày hồi cuối năm 2020.
Cuộc đụng độ giữa Azerbaijan và các tay súng ở Nagorno-Karabakh đã dẫn đến việc Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực.
Ông Arayik Harutyunyan. Ảnh: The Armenian Weekly
Theo AP hôm 1-10, ngoài lệnh truy nã ông Harutyunyan, Azerbaijan còn bắt giữ quan chức dưới quyền cựu lãnh đạo này, Ruben Vardanyan. Ông Vardanyan bị bắt vào giữa tuần trước khi cố gắng vượt biên sang Armenia cùng với hàng chục ngàn người khác.
Trong khi Baku cam kết tôn trọng quyền của người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh, nhiều người đã bỏ trốn do sợ bị trả thù hoặc mất quyền tự do sử dụng ngôn ngữ.
Tại một cuộc họp báo hôm 1-10, thư ký báo chí của tổng thống Armenia, Nazeli Baghdasaryan, nói rằng 100.483 người từ Nagorno-Karabakh đã đến Armenia. Con đường núi quanh co duy nhất tới Armenia bị ùn tắc do có nhiều phương tiện đi lại.
Cùng ngày, một phái đoàn LHQ đã đến Nagorno-Karabakh để theo dõi tình hình. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết đây là phái đoàn đầu tiên của LHQ tới Nagorno-Karabakh sau 3 thập kỷ do “tình hình địa chính trị rất phức tạp và nhạy cảm” ở đó.
Tuy nhiên, người phát ngôn cơ quan quản lý khẩn cấp Nagorno-Karabakh, Hunan Tadevosyan, cho rằng phái đoàn của LHQ đã chậm chân và số lượng dân thường còn lại ở thủ phủ Stepanakert của khu vực ly khai này có thể “đếm trên một bàn tay”.
Bộ trưởng Y tế Armenia Anahit Avanesyan nói rằng một số người, bao gồm cả người lớn tuổi, đã chết trên đường đến Armenia vì “kiệt sức vì suy dinh dưỡng, thậm chí không mang theo thuốc và phải đi trên đường hơn 40 giờ”.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc cuộc di cư của người dân tộc Armenia khỏi Nagorno-Karabakh là “hành động thanh lọc sắc tộc trực tiếp và tước đoạt quê hương của họ”. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Azerbaijan lập luận việc người Armenia rời đi là “quyết định cá nhân".
Bình luận (0)