Tổng thống Biden cũng đã điện đàm người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda để chia buồn. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố Washington sẽ hỗ trợ cuộc điều tra của Ba Lan, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).
Bộ Ngoại giao Ba Lan nói rằng tên lửa rơi vào lãnh thổ giáp Ukraine là do Nga sản xuất và vụ việc khiến 2 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, Tổng thống Duba tỏ ra cẩn trọng hơn về nguồn gốc tên lửa, nói rằng giới chức Ba Lan chưa biết chính xác tên lửa được sản xuất ở đâu và do ai phóng.
Theo nhà lãnh đạo Ba Lan, tên lửa "có khả năng cao nhất" là do Nga sản xuất nhưng mọi thông tin vẫn đang được làm rõ.
Chưa khi nào vũ khí Nga rơi xuống một quốc gia NATO kể từ khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia. Ảnh: AP
NATO hoạt động xoay quanh nguyên tắc cuộc tấn công nhằm vào một nước thành viên bất kỳ là nhằm vào toàn khối.
Reuters mới đây dẫn nguồn tin mật cho biết các đại sứ NATO sẽ họp khẩn để tham vấn trong ngày 16-11 theo yêu cầu của Ba Lan. Cuộc họp được triệu tập dựa trên Điều 4 của NATO, vốn cho phép các nước thành viên bày tỏ mọi nỗi lo, đặc biệt là về an ninh.
Theo nguồn tin nêu trên, NATO sẽ phản ứng cẩn trọng và cần thời gian để xác minh chính xác vụ việc xảy ra như thế nào.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một thông điệp video cho rằng tên lửa của Nga đã tấn công Ba Lan, gọi đó là cuộc tấn công vào an ninh tập thể và một sự leo thang rất đáng kể.
Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ cáo buộc này khi viết trên mạng xã hội Twitter rằng vũ khí của Nga không không kích vào khu vực.
NATO hoạt động xoay quanh nguyên tắc cuộc tấn công nhằm vào một nước thành viên là nhằm vào toàn khối. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)