Vị trí mới này của bà Suu Kyi, thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), được xem là tương đương chức vụ thủ tướng.
Dự luật về việc lập vị trí trên dễ dàng được hạ viện thông qua dù bị thành viên đại diện quân đội phản đối, thể hiện qua hành động tẩy chay cuộc bỏ phiếu.
Tướng Maung Maung của phe quân đội lo ngại thuật ngữ “cố vấn nhà nước” có nghĩa là bà Suu Kyi sẽ nắm trong tay quyền hành pháp và lập pháp, đồng thời cho rằng chỉ khi dự luật phù hợp với hiến pháp thì quân đội mới ủng hộ.
Một nghị sĩ khác của quân đội là Hla Win Aung cũng phản đối việc bà Suu Kyi được nêu tên trực tiếp trong dự luật. Ông mô tả điều này “chưa từng có tiền lệ và không phù hợp với pháp luật”.
Trước đó, dự luật trên đã được thượng viện thông qua hôm 1-4. Dự luật phải được Tổng thống Htin Kyaw, đồng minh thân cận của bà Suu Kyi, ký trước khi có hiệu lực.
Tuần trước, NLD thông báo bà Suu Kyi sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu 4 bộ Ngoại giao, Năng lượng, Giáo dục và Văn phòng Tổng thống.
Tuy nhiên, trong phiên họp quốc hội hôm 3-4, đảng của bà công bố hai cái tên bộ trưởng mới dành cho hai lĩnh vực Năng lượng và Giáo dục: Pe Zin Tun (quan chức Bộ Năng lượng trong chính phủ tiền nhiệm) và Myo Then Gyi (cựu Hiệu trưởng Đại học Tây Yangon).
Như vậy, bà Suu Kyi chỉ còn giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống. Phát ngôn viên của NLD, ông Win Htein, cho biết dù không còn đứng đầu hai bộ Năng lượng và Giáo dục nhưng bà Suu Kyi sẽ là phát ngôn viên của tân Tổng thống Htin Kyaw.
Với quyền chỉ định và kiểm soát 3 bộ quan trọng gồm Nội vụ, Quốc phòng và An ninh biên giới, quân đội – chiếm 1/4 số ghế quốc hội - có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực điều hành đất nước của NLD nói chung và bà Suu Kyi nói riêng, vốn định kiểm soát đất nước thông qua trợ lý thân cận hiện là tân Tổng thống Htin Kyaw.
Bình luận (0)