Khi tình trạng biến đổi khí hậu làm tan dần lớp băng che phủ vùng cực Bắc, các nước khu vực Bắc Cực - Mỹ, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Nga - đều thực hiện hành động do thám nhằm tìm cách moi bí mật các nước khác giống như thời chiến tranh lạnh. Từ đó, vùng biển Bắc Cực đã xuất hiện nhiều tàu do thám và tàu quân sự.
Na Uy quyết liệt
Hãng tin AP nhận định khía cạnh quân sự trong cuộc cạnh tranh của các quốc gia ở Bắc Cực luôn là yếu tố quan trọng nhưng trong cuộc chơi ở thời điểm này, các bên còn cạnh tranh cả trong lĩnh vực kinh tế. Tất cả các nước khu vực Bắc Cực cùng nhảy vào cuộc đua tranh quyết liệt giành quyền khai thác nguồn tài nguyên dầu khí cùng với việc sử dụng tuyến đường thủy mới và vùng biển để đánh cá. Do đó, họ đã tính toán mọi cách để có thể do thám lẫn nhau.
Gần đây, Na Uy chính thức công nhận đã chi 250 triệu USD để có con tàu do thám thứ ba, được đặt tên Marjata, trang bị nhiều bộ cảm biến và loại công nghệ khác, với sứ mệnh theo dõi các hoạt động của Nga ở Bắc Cực.
Đầu tháng 3 năm nay, Marjata - con tàu bí ẩn trông giống như tàu chở hành khách - đã rời bến ở Romania, lướt qua eo biển hẹp chia tách châu Âu và châu Á, rồi hướng về phía khu vực Scandinavia. Con tàu này đã được chuyển đến căn cứ quân sự ở Alesund, thành phố ven biển phía Tây Bắc Oslo. Marjata được vận hành bởi cơ quan tình báo quân đội Na Uy và sẽ đi vào hoạt động năm 2016.
Trung tướng Kjell Grandhagen, trùm tình báo quân đội Na Uy, xác nhận các nhà lãnh đạo đất nước này yêu cầu các nhân viên tình báo phải tìm mọi cách nắm bắt chính xác những gì đang diễn ra trong khu vực Bắc Cực. Các giới chức Na Uy cho biết 20 nhân viên tình báo quân sự sẽ làm việc trên tàu nhưng không cung cấp thêm chi tiết về các nhiệm vụ đặc biệt của họ. Cơ quan Quân báo Na Uy hiện đang khẩn trương lắp đặt trang thiết bị do thám siêu nhạy cảm trên tàu Marjata.
Trong khi đó, nỗ lực của Canada nhằm bảo vệ chủ quyền phía Bắc của mình đang diễn ra một cách chậm rãi hơn. Theo website Canoe.ca, chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper đã hứa hẹn xây dựng một hạm đội mới, trong đó có tàu phá băng Diefenbaker, để tuần tra khu vực. Kể từ khi Canada công bố kế hoạch mua tàu phá băng mới, tổng chi phí dự kiến từ 720 triệu USD đã đội lên 1,3 tỉ USD. Riêng tàu phá băng Diefenbaker dự kiến sẽ đi vào hoạt động sau năm 2021.
Trước đó, chính phủ Canada cũng đã thông báo chương trình đóng 6-8 tàu tuần tra quân sự với chi phí 7,4 tỉ USD; riêng khoản chi cho thiết kế đã tốn 250 triệu USD. Hãng tin AP trích dẫn bản báo cáo của Cơ quan An ninh và Tình báo Canada, nhấn mạnh Canada đã và đang thực hiện hoạt động gián điệp ở mức độ có thể so với cao điểm thời chiến tranh lạnh.
Nhiều vụ gián điệp
Theo báo Toronto Sun, các nước trong khu vực Bắc Cực đã thường cáo buộc nhau thực hiện hành vi gián điệp ngay từ trước khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra và khiến cho sự hợp tác giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực trở nên lạnh giá. Các giới chức an ninh Na Uy xác nhận điệp viên nước ngoài rất quan tâm đến các kế hoạch về Bắc Cực và kỹ thuật của nước này, kể cả công nghệ tiên tiến khai thác dầu ngoài khơi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Trích dẫn tài liệu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), một tờ báo Na Uy tường thuật rằng Cơ quan Tình báo Na Uy đã giúp NSA tiếp cận với các mục tiêu của Nga ở bán đảo Kola - căn cứ của hạm đội phương Bắc của Nga - cũng như các báo cáo về chính sách năng lượng của Moscow.
Trùm tình báo Na Uy Kjell Grandhagen nhấn mạnh Na Uy hợp tác với Mỹ về các vấn đề tình báo không phải là chuyện bí mật. “Đây là sự trao đổi có qua có lại, cho đi một vật và nhận lại một vật khác” - ông Grandhagen thẳng thắn. Thêm vào đó, ông Grandhagen cho biết thêm Nga cũng đang hiện đại hóa năng lực thu thập thông tin tình báo, kể cả trên không gian mạng. Ông Grandhagen khẳng định: “Nga có một bộ máy tình báo đáng kể, bao gồm nhiều phương tiện khác nhau để theo dõi hành vi của chúng tôi”.
Ở Đan Mạch, giáo sư khoa học chính trị Timo Kivimaki đã bị quản thúc tại gia 2 tháng rưỡi sau khi tòa án kết tội ông có mối liên hệ với Nga, vi phạm luật gián điệp của Đan Mạch. Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, vị giáo sư cho biết ông bị bắt trên đường đến gặp một nhà ngoại giao Nga và mang theo chiếc cặp đựng tài liệu nghiên cứu chính sách về Bắc Cực của các chuyên gia Đan Mạch.
Tháng 12-2013, cảnh sát Canada đã bắt một người đàn ông Toronto vì tình nghi ông ta cung cấp cho Trung Quốc thông tin nhạy cảm về các kế hoạch đóng đội tàu tuần tra Bắc Cực của Canada. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này. Trước đó, trung úy hải quân Canada Jeffrey Paul Delisle đã lãnh 20 năm tù giam vì tội làm gián điệp, thu thập và chuyển nhiều bí mật quân sự cho Nga. Viên sĩ quan này còn phải nộp phạt 111.817 USD, tương đương số tiền công ông ta đã nhận được từ hành vi gián điệp này.
Nga qua mặt các đối tác
Phát biểu tại một cuộc họp an ninh quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh mong muốn duy trì tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực để vượt qua các nước khác ở Bắc Cực. Các máy bay ném bom chiến lược Nga đã thường xuyên bay dọc theo khu vực không phận nhạy cảm giữa Nga, bang Alaska - Mỹ và vùng lãnh thổ ở Bắc Cực thuộc Canada. Tuy nhiên, điều đáng nói là một giới chức không lực Mỹ cho biết hồi tháng 6-2014, máy bay ngăn chặn của nước này đã phát hiện máy bay do thám của Nga bay xen giữa các máy bay ném bom Tu-95 và máy bay chiến đấu. Cuối tháng 7, quân đội Nga thông báo một số máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS cùng với các chiến đấu cơ hộ tống MiG-31 đã bay bên trên Bắc Cực... Trong khi đó, theo website Barents Observer, hạm đội phương Bắc của Nga đã tăng cường hoạt động ở Bắc Cực.
Kỳ tới: Người Mỹ chậm chân
(*) Xem báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-12
Bình luận (0)