Tờ The Guardian cho biết các nhà chức trách còn xây dựng cơ sở dữ liệu nhận diện mống mắt và mẫu máu của tất cả cư dân ở độ tuổi 12-65 tại khu vực vốn là nhà của hơn 11 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Những dữ liệu này có thể được dùng để giám sát người dân ở Tân Cương, nơi tồn tại nhiều vấn đề xã hội phức tạp như xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động chống đối chính phủ và khủng bố.
Một phần dữ liệu nói trên đang được thu thập từ các hoạt động kiểm tra y tế của chính quyền nhưng không rõ những người tham gia có biết dữ liệu sinh trắc của mình còn được chuyển cho cảnh sát hay không.
Mặc dù chương trình khám sức khỏe này mang tính tự nguyện nhưng một người Duy Ngô Nhĩ cho biết các quan chức địa phương yêu cầu họ phải tham gia. Thậm chí, một tờ báo địa phương còn đăng bài viết hô hào các quan chức phải cố gắng hết sức để động viện người dân đi khám bệnh.
Tân Cương là một trong những khu vực kiểm soát an ninh chặt chẽ nhất của Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Trong năm 2017, gần 19 triệu người đã tham gia chương trình còn được gọi là Khám sức khỏe toàn dân này, theo Tân Hoa xã. Với những đối tượng được liệt vào danh sách "quan tâm" đặc biệt, dữ liệu của họ sẽ được thu thập bất kể tuổi tác.
Bên cạnh đó, cảnh sát tại Tân Cương còn thu thập các dữ liệu sinh trắc thông qua mua dữ liệu ADN từ Công ty Thermo Fisher Scientific (Mỹ).
Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ công việc quản lý an ninh và điều tra ở quốc gia hơn 1 tỉ dân này, Trung Quốc còn đang xây dựng một hệ thống camera giám sát lớn và phức tạp nhất thế giới sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận biết khuôn mặt.
Hiện 170 triệu camera đã được lắp đặt khắp Trung Quốc. Trong vòng 3 năm tới, nước này sẽ tiếp tục lắp thêm 400 triệu camera khác.
Theo đài BBC, sở cảnh sát địa phương sẽ lưu lại toàn bộ hình ảnh của cư dân trong một hệ thống hồ sơ điện tử.
Các camera có thể nhận dạng được khuôn mặt trên mọi ngả đường. Chúng có thể đọc biển số xe và nhanh chóng kiểm tra hồ sơ của người sở hữu. Một số camera thậm chí dự đoán tuổi tác, giới tính…
Bình luận (0)