Tại phiên họp kéo dài 3 ngày bắt đầu hôm 28-6, cơ quan này đã thảo luận nội dung của dự luật, theo đó đề ra biện pháp xử phạt đối với các hành vi ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài.
Theo một số nguồn tin, những cá nhân có hành vi ly khai hoặc lật đổ chính quyền có thể đối mặt án tù chung thân. Trong khuôn khổ của dự luật, chính quyền trung ương sẽ duy trì thẩm quyền tại đặc khu trong 3 trường hợp đặc biệt, Now TV tiết lộ nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Cảnh sát yêu cầu người dân không tụ tập đông người tại một cuộc biểu tình phản đối dự luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông hôm 28-6 Ảnh: REUTERS
Một số nước, trong đó có Mỹ, đã chỉ trích dự luật nêu trên vì cho rằng nó sẽ hủy hoại quy tắc "một quốc gia, hai chế độ" vốn giúp hệ thống tư pháp Hồng Kông tách biệt với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, giới chức Hồng Kông khẳng định dự luật là cần thiết để duy trì ổn định xã hội theo sau các cuộc biểu tình vào năm ngoái dù thừa nhận họ chưa được xem hết dự luật.
Theo thông tin được truyền thông Trung Quốc công bố tuần rồi, Bắc Kinh lên kế hoạch thành lập một cơ quan tình báo tại đặc khu, thụ lý một số vụ án nhạy cảm và không cho phép tòa án đặc khu lựa chọn thẩm phán trong các vụ việc liên quan đến vấn đề an ninh.
Ông Bernard Chan, cố vấn hàng đầu của đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam, hôm 29-6 nhận định với trang Bloomberg rằng dự luật nói trên ra đời nhằm vạch ra "lằn ranh đỏ" ở Hồng Kông. "Mục đích thực sự của dự luật là cảnh báo người dân: Đừng bước qua những lằn ranh đỏ này. Họ không thể đòi độc lập cho Hồng Kông và chúng tôi không tha thứ cho những hành động khủng bố như trong các cuộc biểu tình năm ngoái" - ông Chan khẳng định.
Bình luận (0)