Chống lại làn sóng biểu tình đã lật đổ các nhà lãnh đạo như ở Ai Cập và Tunisia, các lực lượng an ninh ở Libya và Yemen đã xả súng vào những người biểu tình. Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của Libya và Ali Abdullah Saleh của Yemen cho thấy họ muốn dập tắt sự chống đối đang bùng phát ở Bắc Phi.
Làn sóng biểu tình ở Libya yêu cầu nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ra đi ngày càng mạnh mẽ. Ảnh: AP
Người Libya hôm 20-2 đã đổ ra đường ngày thứ sáu liên tiếp chống lại ông Gaddafi và đây được coi là cuộc nổi dậy nghiêm trọng nhất trong 42 năm ông cầm quyền. Theo đài BBC, các tổ chức nhân quyền ước tính hơn 200 người bị giết chết ở Libya kể từ khi cuộc chống đối chính phủ bùng nổ. Con số này bao gồm cả 20 người tử vong ở thành phố Benghazi hôm 19-2 khi quân đội sử dụng vũ khí hạng nặng bắn vào hàng ngàn người dự tang lễ những người chống đối thiệt mạng.
Trước đó, lực lượng đặc biệt đã tấn công hàng trăm người biểu tình, kể cả những luật sư và thẩm phán cắm trại trước cửa tòa án ở Benghazi. Nhà chức trách cũng đã cắt internet khắp Libya. Bên cạnh đó, thông tin bị kiểm soát chặt chẽ, nhà báo không được tự do hoạt động.
Ở thủ đô Sanaa của Yemen, cảnh sát chống bạo động bắn vào hàng ngàn người biểu tình hôm 20-2, làm chết 1 người và làm bị thương 5 người. Như vậy, tổng số tử vong trong các cuộc chống đối ở Yemen là 7 người. Ông Saleh đã lặp lại lời kêu gọi phe đối lập đối thoại với chính phủ.
Trong khi đó, cảnh sát Algeria hôm 19-2 đã phá cuộc biểu tình chống chính phủ ở Algiers bằng cách tách họ ra thành từng nhóm biệt lập để ngăn cản cuộc tuần hành. Các nhà tổ chức ước tính 10.000 người tham gia biểu tình và có đến 26.000 cảnh sát xuống đường cản trở họ.
Theo hãng tin Reuters, nhà chức trách Djibouti đã bắt giam 3 chính khách đối lập hàng đầu hôm 19-2 trong nỗ lực dập tắt cuộc chống đối của phe đối lập. Trước đó, cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình đòi Tổng thống Ismail Omar Guelleh – cầm quyền từ năm 1999 - từ chức, làm 2 người thiệt mạng.
Hàng ngàn người Morocco cũng tham gia các cuộc biểu tình toàn quốc hôm 20-2 để đòi Quốc vương Mohammed trao một số quyền hành cho chính phủ mới được bầu và một hệ thống tư pháp độc lập hơn.
Tình hình Bahrain tạm lắng dịu
Các nhà lãnh đạo biểu tình tại Bahrain đang xem xét đề nghị đàm phán của chính quyền một ngày sau khi quân đội và cảnh sát rút khỏi quảng trường Pearl của thủ đô Manama hôm 19-2.
Theo hãng tin AP, bạo động đã lắng dịu lại hôm 20-2 nhưng nhiều nơi ở Bahrain bị tê liệt theo sau lời kêu gọi tổng đình công của phe đối lập và giới nghiệp đoàn. Một thủ lĩnh chính của khối chính trị theo Hồi giáo Shiite là ông Abdul-Jalil Khalil cho biết phe đối lập đang xem xét lời đề nghị đàm phán nhưng cho biết đối thoại trực tiếp chưa được sắp xếp. Trước đó, phó tư lệnh tối cao của quân đội - thái tử Salman bin hamad Al Khalifa - kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và đối thoại chính trị sau các vụ bạo động đã khiến 7 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Ông cho biết đã được nhà vua giao nhiệm vụ điều hành tiến trình này nhằm xây dựng lòng tin của tất cả các bên. Ông nói: “Tất cả đảng phái chính trị đều được lên tiếng trên bàn đàm phán”. Người biểu tình xem việc quân đội rút đi là chiến thắng với hàng trăm người qua đêm 19-2 trong các căn lều ở quảng trường Pearl.
Hãng tin AFP ghi nhận đã có ít nhất 7 người biểu tình chống chính quyền bị thương trong các cuộc xô xát với những người biểu tình ủng hộ chính quyền tại thủ đô Amman của Jordan hôm 19-2. Một nhân vật trong nhóm chống đối là Tareq Kmeil nói: “Họ đánh chúng tôi bằng gậy, ném đá vào chúng tôi nhưng cảnh sát phớt lờ”.
Tại Kuwait, những người phản đối chính quyền ở thành phố Sulaibiya, phía Đông thủ đô Kuwait City, đã đụng độ với lực lượng an ninh trong ngày biểu tình thứ hai, hôm 19-2. Hàng trăm người xuống đường đòi quyền công dân cho những người cư trú đã lâu tại nước này và đòi trả tự do cho những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình hôm 18-2.
Lưu Nguyễn |
Bình luận (0)