Chờ đón nhân vật được truyền thông dự đoán đắc cử tổng thống Mỹ là một danh sách thử thách đối ngoại quen thuộc, trong đó hóc búa nhất phải kể đến ứng phó với đối thủ cạnh tranh hàng đầu Trung Quốc và làm hòa với các đồng minh lâu năm ở châu Âu.
Với Trung Quốc, ông Eswar Prasad, cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ ra chính quyền sắp tới của Mỹ có thể hợp tác ở một số lĩnh vực như y tế và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, không vì thế mà mối quan hệ đã xuống dốc nhanh chóng dưới thời Tổng thống Donald Trump có khả năng lội ngược dòng, có chăng là ông Biden chỉ áp dụng giọng điệu và chiến thuật khác. Đơn giản vì trong mấy năm gần đây, nước Mỹ nhìn chung nhận ra "không còn được lại quả thực sự" từ mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, theo ông Prasad.
Kênh CNBC cho biết chính sách đối ngoại của ông Biden nhấn mạnh "an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia". Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs đầu năm nay, ứng viên Đảng Dân chủ chỉ rõ: "Nếu để yên cho Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục cướp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ và của các công ty Mỹ. Họ cũng sẽ hỗ trợ các công ty nhà nước một cách thiếu công bằng để tìm cách thống lĩnh các ngành công nghệ và công nghiệp của tương lai".
Theo ông Biden, cách ứng phó hiệu quả nhất là "xây dựng một mặt trận thống nhất quy tụ đồng minh và đối tác của Mỹ để đối đầu với các hành vi này của Trung Quốc".
Ông Joe Biden tại cuộc họp báo ở TP Wilmington, bang Delaware - Mỹ hôm 10-11 Ảnh: REUTERS
Quan điểm trên đồng nghĩa với việc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong đó Tổng thống Trump đánh thuế lên số hàng hóa trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc và tấn công mạnh mẽ Tập đoàn viễn thông Huawei, sẽ không biến mất bất kể ông chủ Nhà Trắng là ai.
Các cố vấn của ông Biden tiết lộ với đài CNN rằng ông sẽ hợp tác chặt chẽ với đồng minh trong các vấn đề như công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, Trung Quốc gây hấn trên các vùng biển ở châu Á…
Dù được đánh giá cao ở kỹ năng xây dựng (và tái hòa nhập) liên minh song ông Biden sẽ gặp không ít thử thách sau khi chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump khiến nhiều đồng minh của Mỹ từ Á sang Âu bị lung lay niềm tin vào Washington. Tại châu Á, trong khi Nhật Bản lo ngại bị Mỹ "bỏ rơi" trong vấn đề Triều Tiên thì Hàn Quốc bất ngờ đối mặt đòi hỏi tăng chi phí cho quân Mỹ đóng quân thêm 400%.
Ông Biden cũng sẽ không dễ "nối lại tình xưa" với Liên minh châu Âu (EU). Đối mặt với một Tổng thống Trump khó đoán và thường xuyên chỉ trích đồng minh khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, tuyên bố EU cần đoạn tuyệt với tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.
Thực tế quốc hội Mỹ nhiều khả năng tiếp tục phân cực mạnh mẽ và hơn 70 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay càng khiến nhiệm vụ của ông Biden thêm khó khăn. "Nhiều đối tác nhận ra ông Biden sẽ chỉ dễ quyết định những việc không phải thông qua quốc hội" - một nhà ngoại giao Mỹ tại châu Âu nhận định với CNN.
Chưa hết, theo cựu nhân viên ngoại giao Mỹ Lewis Lukens, các đồng minh lo ngại Mỹ sẽ lại đổi hướng nếu "một ông Trump khác" xuất hiện sau 4 năm nữa.
Vì lẽ đó, EU sẽ thận trọng và chỉ hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định; đồng thời cũng "tự lập chiến lược" trong các vấn đề tối quan trọng như an ninh, kinh tế, chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu…
Bình luận (0)