Tại bang Washington, Mỹ, những người mắc bệnh nan y chỉ sống được dưới 6 tháng rồi sẽ có quyền yêu cầu bác sĩ của họ kê toa “tử dược”. Đạo luật “chết trong phẩm giá” (Death with Dignity) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-3, tuy vậy, những người muốn nhận toa thuốc kết thúc đời mình vẫn có thể gặp phải sự phản đối hoặc bất hợp tác từ bác sĩ của họ.
Ủng hộ và phản đối
“Rất nhiều bác sĩ ngại công khai quan điểm của mình về vấn đề này”-theo tiến sĩ Tom Preston, một bác sĩ tim mạch đã về hưu và là thành viên Hội Compassion & Choices, tổ chức đã vận động ủng hộ điều luật trên. “Có rất nhiều bác sĩ, những người mà về nguyên tắc, sẽ chấp thuận hoặc không phản đối việc đó, nhưng vì rất nhiều nguyên nhân xã hội hoặc chuyên môn, họ không muốn can dự vào” - ông nói. Tuy nhiên, ông Preston cho rằng sự ra đời của đạo luật này sẽ làm cho các cuộc tranh cãi giữa bác sĩ và bệnh nhân về vấn đề kết thúc sự sống gia tăng và ông nghĩ sau này sẽ có thêm nhiều bác sĩ tham gia một cách cởi mở hơn khi họ không phải chịu sự phản đối về mặt tôn giáo hay triết học. Theo ông, “đó sẽ là một thay đổi về văn hóa”.
Theo hãng tin AP, năm 2006, tòa án tối cao Mỹ đã phán quyết rằng các bang có quyền sửa đổi những quy định về việc áp dụng y học tại bang của mình, kể cả việc hỗ trợ tự tử và đề xuất này của bang Washington đã nhận được 60% phiếu thuận vào tháng 11-2008.
Một phụ nữ lớn tuổi cầm trên tay tấm biển ghi: “Hãy cho tôi quyền định đoạt số phận của mình”. Ảnh: Allhealthcare |
Tiến sĩ Stu Farber, Trưởng Khoa Tư vấn chăm sóc giảm đau tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Washington, đã bỏ phiếu chống lại biện pháp này và hiện tại, ông không có ý định kê toa tử dược cho bệnh nhân của mình. “Tôi ở đây không phải để nói với người khác rằng họ nên sống hay chết như thế nào”- ông Farber nói. Ông Robb Miller, Giám đốc điều hành Hội Compassion & Choices, cho biết nhóm những người ủng hộ thu thập cả một danh bạ của các bác sĩ không phản đối luật, cũng như những nhà thuốc sẵn sàng kê toa. “Các bác sĩ chưa hiểu cụ thể điều luật này có tác dụng như thế nào. Khi mà chưa hiểu tường tận, người ta thường có thái độ miễn cưỡng”- ông Miller nói.
Điều kiện để được... cấp tử dược
Luật của Washington dựa theo điều luật tại Oregon, có hiệu lực từ cuối năm 1997. Từ đó có hơn 340 người, chủ yếu là bị bệnh ung thư hành xác, đã sử dụng biện pháp này để kết thúc cuộc sống. Theo luật của Washington, bệnh nhân nào muốn yêu cầu liều tử dược phải đủ 18 tuổi trở lên, theo kênh truyền hình MSNBC (Mỹ). Bệnh nhân phải làm hai yêu cầu miệng, cách nhau 15 ngày và nộp đơn viết tay phải có hai người làm chứng. Một trong hai nhân chứng không được có quan hệ thân thích với bệnh nhân, người thừa kế, bác sĩ điều trị hoặc có liên quan đến cơ sở y tế nơi mà người làm đơn đang sống.
Phải có hai bác sĩ xác nhận rằng bệnh nhân đang trong thời kỳ cuối và chỉ còn sống được từ 6 tháng trở xuống. Nhiều bác sĩ phản đối cách làm này đã lập luận rằng không có gì chắc chắn khi chẩn đoán bệnh nhân chỉ còn sống 6 tháng cuối cùng.
Bình luận (0)