Theo hãng tin Tân Hoa Xã, thông tin gây chấn động dư luận xã hội Trung Quốc nói trên lần đầu tiên xuất hiện trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc ngày 15-4.
Đốt nhà máy phi tang vật chứng
15 giờ 20 phút hôm ấy, tại Nhà máy Học Dương Minh Hiệu ở huyện Phúc Thành, tỉnh Hà Bắc, xảy ra một vụ hỏa hoạn kéo dài 1 giờ 10 phút. Không có thiệt hại về nhân mạng nhưng viên quản lý tên Tống Huấn Kiệt đã bị bắt vào hôm sau.
Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy họ Tống đã chủ mưu phóng hỏa đốt nhà xưởng để phi tang tài liệu như máy tính, sổ sách kế toán, sổ giao hàng… liên quan đến việc nhà máy cung cấp chất gelatin công nghiệp cho các hãng sản xuất bao con nhộng. Chất này không được phép dùng trong ngành y tế vì nó chứa hàm lượng rất cao Chronium (crôm) là một tác nhân gây ung thư.
Tập Huệ Dân, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra Chất lượng huyện Phúc Thành, cho biết cục đã đóng cửa Nhà máy Học Dương Minh Hiệu từ ngày 15-4, tịch thu 200 tấn gelatin để phục vụ điều tra.
Nhân viên SFDA (bìa trái) kiểm tra dược phẩm dạng con nhộng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: AP
Học Dương Minh Hiệu được thành lập năm 2004 với số vốn điều lệ 2,1 triệu nhân dân tệ, sử dụng 32 nhân công, mỗi ngày sản xuất 280 tấn gelatin công nghiệp bán cho các công ty ở Bắc Kinh, Thường Châu, Hạ Môn và tỉnh Chiết Giang.
Cũng trong ngày 15-4, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Trung Quốc (SFDA) đã ra thông báo khẩn cấm bán 13 loại thuốc dạng con nhộng chứa hàm lượng crôm có khả năng gây ung thư. Đồng thời, SFDA cũng ra lệnh điều tra cấp tỉnh những trường hợp sản xuất và tiêu thụ gelatin công nghiệp.
Tịch thu 77 triệu viên thuốc con nhộng
Tính đến ngày 22-4, Bộ Công an Trung Quốc đã tạm giữ 45 người, bắt giữ 9 nghi phạm liên quan đến vụ vi phạm nghiêm trọng an toàn dược phẩm mới nhất này. Hơn 230 tấn gelatin công nghiệp đã bị tịch thu ở các tỉnh Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tây và Sơn Đông. Ngoài ra, 77 triệu viên thuốc dạng con nhộng nhiễm crôm cũng bị tịch thu.
Theo Nhật báo Trung Quốc, quá nửa những người bị tạm giam là công nhân viên những cơ sở sản xuất bao con nhộng ở huyện Tân Thường, tỉnh Chiết Giang. Những cơ sở này mua gelatin công nghiệp ở phía Bắc tỉnh Hà Bắc và phía Đông tỉnh Giang Tây.
Những ngày qua, dư luận bệnh nhân rất hoang mang. Bộ Công an đã đóng cửa 80 cơ sở sản xuất trái phép gelatin công nghiệp ở các tỉnh Chiết Giang, Hà Bắc và Giang Tây sau một tuần kiểm tra ráo riết. Tuy nhiên, bộ không tiết lộ danh tính những người bị tạm giữ hay bị bắt giam và cũng không cho biết những người này sẽ bị truy tố về tội gì.
Sữa chua, thạch cũng bị nhiễm?
Người dân Trung Quốc càng trở nên bức xúc sau khi Nhật báo Nam Đô (bản trực tuyến) đưa tin trong số khách hàng của Học Dương Minh Hiệu có nhiều công ty thực phẩm, trong đó có Công ty Sữa Tam Nguyên Bắc Kinh. Phóng viên của báo nói trên đã tìm thấy tên công ty này trong sổ sách kế toán. Chất gelatin công nghiệp có thể đã được dùng để sản xuất sữa chua và thạch, trong đó có laosuannai, một mặt hàng nổi tiếng của Công ty Sữa Tam Nguyên Bắc Kinh.
Ngày 19-4, ông Trần Lệ Quân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sữa Tam Nguyên, đã cực lực bác bỏ tin trên. Ông khẳng định chưa hề giao dịch với Nhà máy Học Dương Minh Hiệu. Chất gelatin mà công ty dùng hoàn toàn nhập từ nước ngoài.
Ông Tống Côn Cương, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Sữa Trung Quốc, cũng tỏ ra nghi ngờ nguồn tin nói trên bởi vì “một tấn gelatin công nghiệp chỉ rẻ hơn gelatin dùng trong thực phẩm vài chục tệ, không công ty sữa nào dại dột làm như vậy.
Kỳ tới: Hãi hùng quy trình sản xuất gelatin
Bình luận (0)