Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi nước này ghi nhận số ca Covid-19 mới cao kỷ lục trên thế giới trong ngày thứ 4 liên tiếp, qua đó đè thêm gánh nặng lên hệ thống y tế đang gặp khó. Số liệu công bố hôm 25-4 cho thấy có thêm 349.691 ca Covid-19 được ghi nhận trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tại quốc gia Nam Á này lên gần 17 triệu. Con số tử vong cũng tăng lên 2.767, mức cao nhất trong ngày từ trước đến giờ.
Sự bùng phát nghiêm trọng nói trên khiến nhiều bệnh viện bị quá tải và lâm vào tình trạng thiếu ôxy nên buộc phải nói không với nhiều bệnh nhân. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại vùng thủ đô New Delhi, nơi xảy ra tình trạng bệnh nhân chết mòn trong bệnh viện vì thiếu ôxy.
Số ca nhiễm không ngừng gia tăng buộc Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal hôm 25-4 quyết định gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 3-5 nhằm ngăn dịch bệnh thêm tồi tệ. Đề cập vấn đề thiếu ôxy, theo trang Mint, ông Kejriwal nhấn mạnh nhà chức trách đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng ngày thừa nhận "cơn bão" Covid-19 đã làm đất nước rung chuyển, đồng thời thúc giục mọi người dân tiêm phòng và duy trì cảnh giác.
Một phụ nữ được tiêm vắc-xin Covid-19 tại TP Rio de Janeiro - Brazil, một trong những quốc gia đang lao đao vì dịch Covid-19Ảnh: Reuters
Một kỷ lục buồn khác cũng vừa bị phá ở Brazil, nơi đang trải qua tháng chết chóc nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Bộ Y tế Brazil hôm 24-4 cho biết ít nhất 67.977 người tử vong vì Covid-19 kể từ đầu tháng này, cao hơn con số kỷ lục 66.573 của tháng 3. Dịch bệnh cho đến giờ đã cướp đi sinh mạng của trên 380.000 người tại Brazil và con số này chắc chắn còn tăng nhiều thời gian tới.
Viện Y tế công Fiocruz dự báo khoảng 3.000 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 mỗi ngày trong những tuần tới. Bộ Y tế Brazil có kế hoạch hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 cho các nhóm ưu tiên (khoảng 77 triệu người) vào tháng 9 tới. Cho đến giờ, khoảng 5,8% trong số 212 triệu dân này đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tình hình Covid-19 cũng gây nhiều lo lắng ở Thái Lan sau khi nước này ghi nhận số người tử vong trong ngày vì dịch bệnh lập kỷ lục mới trong ngày thứ 2 liên tiếp (11 trường hợp hôm 25-4 và 8 trường hợp một ngày trước đó).
Theo Reuters, nhà chức trách Thái Lan đang đẩy nhanh ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang khiến tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lần lượt tăng lên 55.460 và 140. Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha hôm 24-4 cho biết các tỉnh trưởng có thể ra lệnh đóng cửa những địa điểm công cộng và áp đặt tình trạng giới nghiêm nếu cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Dù vậy, theo báo Bangkok Post, nhiều lời kêu gọi chính phủ hạn chế người dân đi lại để chống Covid-19 đã được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Thái Lan một ngày trước đó nói chưa có kế hoạch làm thế.
Trước mắt, chính quyền thủ đô Bangkok đã ra lệnh đóng cửa nhiều địa điểm, như công viên, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim… từ ngày 26-4 đến 9-5. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng được thực thi tại Bangkok và 40 tỉnh. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà bán lẻ Thái Lan hạn chế giờ mở cửa của các cửa hàng ở Bangkok và 17 tỉnh.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Campuchia cũng đang đau đầu trước sự bùng phát nghiêm trọng của dịch Covid-19. Bộ Y tế Campuchia hôm 25-4 cho biết nước này ghi nhận thêm 616 ca mới và 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 9.975 và 75. Theo báo Khmer Times, bệnh nhân Covid-19 hiện được điều trị tại thủ đô Phnom Penh và 21 tỉnh của nước này.
Chính quyền Tổng thống Biden đối mặt sức ép
Người phát ngôn Nhà Trắng hôm 24-4 cho biết Mỹ lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ, đồng thời lên kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho chính phủ và nhân viên y tế tại quốc gia Nam Á này. Theo Reuters, nữ phát ngôn Nhà Trắng xác nhận Mỹ "đang tích cực đối thoại ở cấp cao" về vấn đề này. Người phát ngôn của Đại sứ quán Ấn Độ tại Washington cũng xác nhận quan chức hai nước đang bàn bạc ở nhiều cấp về việc bảo đảm nguồn cung ứng những thành phần từ các công ty Mỹ để sản xuất vắc-xin Covid-19 tại Ấn Độ.
Sức ép đang tăng lên chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc hỗ trợ nhiều hơn cho Ấn Độ, một đồng minh chiến lược của Washington. Ông Ashish Jha, chuyên gia tại Trường ĐH Brown (Mỹ), thúc giục Mỹ chia sẻ lượng vắc-xin dư thừa với Ấn Độ và các nước khác đang gặp khủng hoảng. Cũng theo ông Jha, Washington nên dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các nguyên liệu thô được xem là cần thiết cho nỗ lực mở rộng sản xuất vắc-xin tại Ấn Độ.
Lệnh hạn chế trên có từ thời Tổng thống Donald Trump và được ông Biden duy trì nhằm tăng cường sản xuất vắc-xin ở Mỹ. Dù vậy, một số chính khách ở Ấn Độ chỉ trích Washington đang phá hoại mối quan hệ đối tác chiến lược với New Delhi thông qua lệnh hạn chế trên và động thái trữ vắc-xin. Ngay tại Mỹ, một số nghị sĩ cũng đang thúc ép chính quyền ông Biden hỗ trợ Ấn Độ nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống Covid-19.
Huệ Bình
Bình luận (0)