Nhật Bản đang muốn Đức triển khai một tàu chiến đến Đông Á tham gia các cuộc tập trận chung trong năm 2021 để đối phó ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực. Trong cuộc hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Đức Annegret Kramp-Karrenbauer mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi kêu gọi Đức có bước đi trên giữa lúc Tokyo tăng cường tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Để đạt được mục tiêu này, Tokyo đang đẩy mạnh quan hệ với những nước có cùng chí hướng (về pháp quyền, tự do hàng không và hàng hải), xây dựng các chuỗi cung ứng thay thế, củng cố hợp tác quốc phòng…
Theo đài DW (Đức), ông Kishi cho rằng sự hiện diện của tàu chiến Đức sẽ hỗ trợ nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do đi lại của tàu thuyền ở biển Đông. Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm, hai bên nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các nước liên quan, trong đó có Trung Quốc, tránh những hành động làm leo thang căng thẳng tại khu vực. Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến việc ngăn biển Đông rơi vào sự kiểm soát của Bắc Kinh vì phần lớn hàng hóa nhập khẩu của Tokyo, trong đó có cả nguồn cung cấp năng lượng quan trọng từ Trung Đông, phải đi qua khu vực này.
Trước thềm cuộc hội đàm trên, Nhật Bản thông báo nước này sẽ cùng Pháp và Mỹ diễn tập quân sự chung lần đầu tiên vào tháng 5-2021. Ngoài ra, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh cũng sẽ đến khu vực để tham gia tập trận. Ông Akitoshi Miyashita, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Quốc tế Tokyo, nhận định lời mời của Nhật Bản dành cho Đức nằm trong nỗ lực xây dựng một liên minh chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Một tàu khu trục của Đức tại cảng Wilhelmshaven ở bang Hạ Saxony - ĐứcẢnh: DPA
"Nhật Bản đang nỗ lực thuyết phục các nước phương Tây cùng chí hướng cử các đơn vị quân sự đến Đông Á nhằm gửi tín hiệu tới Trung Quốc, theo đó các quốc gia này đồng lòng ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" - ông Miyashita nhận định với đài DW. Cũng theo chuyên gia này, Đức sẽ tham gia vào bất kỳ hành động cụ thể nào nhưng sự hiện diện của tàu chiến Đức ở Đông Á sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh. Trong bài phát biểu tại Trường ĐH Bundeswehr ở TP Munich hồi tháng 11-2019, bà Kramp-Karrenbauer nhận định đã đến nước này hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng với các đồng minh để phát đi tín hiệu về sự đoàn kết, tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.
Ngoài các nước phương Tây, Nhật Bản thời Thủ tướng Suga Yoshihide tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế với nhiều nước ASEAN, đồng thời vận động sự ủng hộ đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Chưa hết, Tokyo còn tích cực thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước thuộc nhóm "Bộ tứ kim cương" (gồm Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Úc). Theo trang Wion News, hải quân 4 nước này hồi tháng 11 đã tham gia cuộc tập trận hàng hải Malabar ở vịnh Bengal và biển Ả Rập.
Không dừng lại ở đó, nội các của ông Suga trong tuần này còn thông qua ngân sách quốc phòng cao kỷ lục 5.340 tỉ yen (51,7 tỉ USD) cho năm tài chính 2021, bắt đầu từ tháng 4 năm sau. Con số này cao hơn 1,1% so với năm tài chính 2020 và là lần tăng thứ 9 liên tiếp. Đáng chú ý, khoảng 323 triệu USD sẽ được chi cho việc phát triển một loại tên lửa chống hạm tầm xa mới nhằm bảo vệ chuỗi đảo Okinawa. Theo hãng tin Kyodo, Bộ trưởng Kishi nhấn mạnh Nhật Bản cần phải "ứng phó" với sự gia tăng hoạt động hàng hải của Trung Quốc quanh các đảo ở phía Tây Nam đất nước. Tokyo đang ngày càng lo ngại về hoạt động của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông, trong đó có hành vi xâm nhập các vùng biển quanh quần đảo Senkaku (hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư).
Bình luận (0)