Đăng tải trên ấn bản tháng 7 và 8 của Tạp chí Y học gia đình và Chăm sóc căn bản, báo cáo cho biết nguyên nhân tử vong chủ yếu do đuối nước (chụp ảnh gần thác nước), tai nạn (ở giữa đường ray khi tàu hỏa đang đến gần) hoặc ngã từ trên cao. Một số khác bị động vật tấn công, súng cướp cò hay điện giật.
Mặc dù nghiên cứu chỉ ra Ấn Độ có số người tử vong cao nhất trong tất cả các nước, nhiều vụ chụp ảnh "tự sướng" chết người cũng được ghi nhận ở Nga, Mỹ và Pakistan. Theo người đứng đầu cuộc nghiên cứu, ông Agam Bansal, chụp ảnh "tự sướng" về cơ bản không nguy hiểm chết người nhưng mối nguy gia tăng khi mọi người liều mạng để có được những bức ảnh hoàn hảo hòng nổi danh trên mạng xã hội.
"Tôi không cho rằng điều đó đáng để đánh đổi cả mạng sống" - ông Bansal nhấn mạnh.
Ngô Vịnh Ninh, người nổi tiếng với các video selfie được quay trên đỉnh các tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc, thiệt mạng năm 2017 vì rơi khỏi tòa nhà 62 tầng Ảnh: WEIBO
Báo cáo cũng chỉ ra hơn 85% nạn nhân còn rất trẻ, ở độ tuổi từ 10-30. Trong khi đó, 259 trường hợp tử vong ghi nhận trong khoảng thời gian 6 năm chắc chắn chưa phải là tất cả.
Tác giả của nghiên cứu cho rằng một trong những biện pháp ngăn chặn là thiết lập "khu vực cấm chụp ảnh tự sướng" tại một số khu vực nhất định như "nóc nhà chọc trời, đỉnh núi hay thác nước". Trong số các nước nỗ lực ngăn chặn tình trạng này, Nga đã phát động chiến dịch "Selfie an toàn" với khẩu hiệu "Một triệu "lượt thích" trên mạng xã hội cũng không đáng để liều mạng" từ 3 năm trước.
Năm 2016, Mumbai - Ấn Độ ban bố 16 "vùng không selfie" trên khắp thành phố, còn Indonesia đầu năm nay đề xuất khoanh vùng các địa điểm chụp ảnh an toàn sau khi một người leo núi thiệt mạng vì chụp ảnh "tự sướng" tại công viên quốc gia.
Bình luận (0)