Theo báo India Today, Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại New Delhi đạt mức 447 vào lúc 5 giờ 30 phút (giờ địa phương) ngày 3-11, tăng thêm 45 điểm so với thời điểm 20 giờ ngày 2-11.
Trước đó, vào ngày 1-11, giới chức New Delhi ban bố tình trạng khẩn cấp vì ô nhiễm không khí đạt mức cao kỷ lục trong 2 năm trở lại đây, với AQI đạt ngưỡng 484. Theo báo The Straits Times (Singapore), AQI ở mức 401-500 bị xếp vào diện báo động, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người.
Nhằm cắt giảm ô nhiễm và bảo đảm sức khỏe người dân, giới chức New Delhi yêu cầu đóng cửa toàn bộ trường học, cấm mọi hoạt động xây dựng đến ngày 5-11, đồng thời cho biết sẽ phát khẩu trang cho 5 triệu trẻ em tại thành phố này. Bên cạnh đó, các phương tiện cá nhân cũng sẽ bị hạn chế theo biển số "chẵn - lẻ" từ ngày 4 đến 15-11, tức xe biển số chẵn sẽ hoạt động vào ngày chẵn và ngược lại.
Theo Thủ hiến bang Delhi, ông Arvind Kejriwal, New Delhi đã trở thành “phòng hơi ngạt” vì ô nhiễm không khí Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định chính quyền New Delhi cần hành động quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề. "New Delhi cần cắt giảm mức độ ô nhiễm thêm 65% để đạt tiêu chuẩn không khí sạch. Đây là một thách thức không nhỏ" - bà Anumita Roy Chowdhury, Trung tâm Khoa học và Môi trường, nhận định.
Theo đài Al Jazeera, vào tháng 10 và 11 hằng năm, chất lượng không khí ở New Delhi xuống mức thấp báo động khi người dân ở các khu vực xung quanh đốt rơm rạ. Cùng với khói bụi từ pháo hoa xuyên suốt mùa Lễ hội Ánh sáng Diwali, ô nhiễm từ xe cộ và các hoạt động xây dựng, việc đốt rơm rạ khiến chất lượng không khí tại khu vực thủ đô ngày một tồi tệ.
Theo giới chuyên gia, ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với sức khỏe của khoảng 20 triệu người dân thủ đô Ấn Độ. "Đây là một tình huống cực kỳ đáng lo ngại. Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em, thai phụ và những người lớn tuổi" - bác sĩ Prashant Saxena, từ Bệnh viện Max Smart Super Specialty (New Delhi), nhận định.
Theo một nghiên cứu được Viện Chính sách Năng lượng của Trường ĐH Chicago (Mỹ) công bố hôm 31-10, người dân sinh sống tại đồng bằng Ấn - Hằng, gồm các bang Bihar, Chandigarh, Delhi, Haryana, Punjab, Uttar Pradesh và Tây Bengal, có tuổi thọ trung bình giảm 7 năm vì chất lượng không khí kém.
Bình luận (0)